Vào mùa Trung thu, thị trường hoa quả, bánh kẹo, nhất là bánh trung thu trở nên nhộn nhịp và đa dạng. Cùng với đó, việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu cũng là nỗi lo rất lớn đối với người tiêu dùng và các ngành chức năng.
Đây là thời điểm các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa, do đó, sẽ khó tránh khỏi tình trạng một số cơ sở vì lợi nhuận có thể đưa ra tiêu thụ các loại thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu hoặc hết hạn sử dụng.
Mặt khác, các sản phẩm này tuy được bảo quản, trưng bày trong hộp nhưng đa phần đều bày bán ở gần đường giao thông, dưới điều kiện thời tiết nắng nóng nên rất dễ bị hỏng, mốc,... gây nguy cơ mất ATVSTP và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vì vậy, để bảo đảm ATVSTP trong mùa Trung thu, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm ATVSTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở vi phạm, không bảo đảm ATVSTP; hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, mua, tiêu dùng các sản phẩm, thực phẩm an toàn và tẩy chay các thực phẩm không bảo đảm ATVSTP.
Các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân mùa Trung thu; nghiêm cấm việc sử dụng chất bảo quản, chất chống mốc, phẩm màu độc hại trong sản xuất thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm và không để cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, sản phẩm không bảo đảm ATVSTP và không có xuất xứ rõ ràng.
Mặc dù công tác quản lý và bảo đảm ATVSTP đã có những chuyển biến tích cực nhưng mỗi người dân cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình./.
Vĩnh Nhất