Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 11:37

Trả lại Trung thu cho con nít?

Nghĩ về những mùa Trung thu đẹp đẽ với trăng rằm, tụ họp chơi đèn, ăn bánh dẻo, bánh nướng, cười giòn tan, nhiều người hỏi phải chăng người lớn đang “cướp” mất Trung thu đúng nghĩa?

 

Các bạn trẻ làm lồng đèn để bán gây quỹ và để các bạn tổ chức chương trình Trung thu, tặng lồng đèn cho các em nhỏ kém may mắn tại TP.HCM - Ảnh: Khoa Nguyễn

Nhớ lại những mùa Tết Trung thu xưa, anh Cao Vĩ Nhánh (Phú Yên) cho biết không có nhiều bánh trái hay các món đồ chơi đẹp mắt như bây giờ. Anh kể ngày đó trẻ con chủ yếu tự tay làm đèn ông sao, ngôi sao, chiếc thuyền, người lớn thì mua quà bánh tặng cho trẻ con.

“Không gian Trung thu lúc đấy thơ mộng hơn, trẻ con háo hức đợi đến ngày tết của mình để được chơi rước đèn, xem múa rồi chạy theo đoàn lân ca hát. Đó là những ký ức rất đẹp”, anh Vĩ Nhánh kể.

Anh Hoàng Nhẫn (Q.Bình Chánh, TP.HCM) thì nhớ hoài hương vị chiếc bánh dẻo, bánh nướng mẹ làm ngày xưa.

“Ngày xưa thiếu thốn, Tết Trung thu mẹ làm một mẻ bánh vài cái cho mấy đứa con trong nhà ăn là hạnh phúc lắm rồi. Lồng đèn thì vuốt tre rồi lấy giấy màu dán lên, đặt cây đèn cầy nhỏ xíu ở giữa rồi đi tung tăng khắp xóm. Có đứa còn lấy lon sữa bò đục mấy cái lỗ, lồng một sợi dây vào trong rồi kéo đi lon ton”, anh Nhẫn nhớ lại.

Nhưng những mùa Trung thu ấy, nay đâu?

Vì sao bánh trung thu bán quá sớm?

Nhiều người gọi đường đi của bánh trung thu là một vòng tròn luẩn quẩn: người này mua biếu người kia, người kia mua biếu người nọ rồi người nọ biếu ngược lại người này. Cuối cùng, chẳng ai mua bánh để ăn dù giá bánh trung thu không hề rẻ.

Chị Ngọc Bích (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mình mua ba hộp bánh, trị giá gần 2 triệu đồng để vừa biếu sếp, vừa biếu cho cô giáo của hai con.

“Tới Trung thu là mất vài triệu để mua bánh biếu. Mua biếu nên cũng phải chọn loại mắc mắc một chút chứ rẻ quá thì cũng kỳ. Mua ngoài tiệm đi biếu rồi ai đó biếu mình thì lấy để ăn, năm nào cũng vậy”, chị Bích nói.

Chị Thế An (Q.7, TP.HCM) thì cho rằng bánh trung thu dường như chỉ để dành cho việc biếu tặng chứ không phải mua về để thưởng thức.

“Bản thân tôi rất ngán bánh trung thu và cũng thấy nó chẳng còn ngon như ngày xưa”, chị An nói.


Các em thiếu nhi tại Krông Pak Daklak vui đùa rước đèn, đi theo đoàn lân... với niềm vui, tiếng cười khắp nơi - Ảnh: Thùy Linh

Người lớn chen chân làm hỏng tiệc của trẻ

Tiến sĩ (TS), nhà văn hóa Nguyễn Nhã cho biết Trung thu là bữa tiệc dành cho trẻ em với những hoạt động tập trung vào đối tượng này như: làm mô hình tiến sĩ giấy, rước đèn ông sao, ăn bánh dẻo, bánh nướng với những hình thù ngộ nghĩnh…

Tuy nhiên, ngày nay Tết Trung thu đã bị nhiều người làm cho biến tướng.

“Đối tượng của những chiếc bánh trung thu được bày bán với giá ngày càng đắt là người lớn, không còn dành cho trẻ con nữa. Tết Trung thu bị người lớn biến tướng thành một dịp để biếu tặng, đền ơn, đáp nghĩa, thành ra tốn kém, phí phạm. Tết Trung thu đã bị nhiều người làm cho lệch đi khỏi ý nghĩa ban đầu”, TS Nguyễn Nhã nhận định.

Theo TS Nguyễn Nhã, việc biếu những món quà mang ý nghĩa tinh thần cũng rất đáng quý nhưng nếu chạy theo những chiếc bánh đắt tiền, tốn kém thì sẽ làm hỏng mục đích tốt đẹp của việc trao tặng.

“Người lớn cứ “chen chân” vào buổi tiệc của trẻ nhỏ thì sẽ hỏng mất”, TS Nguyễn Nhã đánh giá.

Cũng vậy, anh Vĩ Nhánh cho rằng vô tình người lớn nghĩ cho bản thân họ trước chứ chưa thật sự dành tình cảm cho tết trẻ em.

“Trung thu là tết dành cho thiếu nhi mà, sao lại mang màu sắc của người lớn vào trong đó, nương theo những ơn nghĩa, ràng buộc. Sự chi phối của người lớn đã làm mất đi không gian hồn nhiên, không khí lung linh, thơ mộng trong ngày Tết Trung thu cũng bị phai nhạt rất nhiều", anh Nhánh nói.


Ba trẻ em nghèo ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) lấy chiếc thùng đựng bia cộng với một mảnh vải màn cũ chơi trò múa lân mùa Trung thu - Ảnh: L.Đ.Dục

Trả Trung thu cho con nít

Nhiều phụ huynh cho rằng ngày nay trẻ có rất ít bạn hàng xóm vì nhà nào về là đóng cửa, không phải hàng xóm ai cũng biết nhau như ở quê ngày xưa.

“Không có bạn thì chơi Trung thu với ai? Đó là chưa kể nhiều nhà chung cư cũng không thể bày cỗ ra sân để vừa ngắm trăng vừa tổ chức trò chơi cho trẻ. Nhưng sau này bé nhà mình lớn một chút, mình cũng sẽ tìm cách để bé được chơi Trung thu đúng nghĩa với bạn bè”, chị Thế An tâm sự.

Có cùng suy nghĩ này, chị Lan Chi (Q.2, TP.HCM) cho biết dù không thể có được không khí rộn ràng như những mùa Trung thu ngày xưa nhưng chị cũng cố gắng cho bé vui Trung thu với gia đình bằng cách mua lồng đèn, mua bánh rồi cùng chơi, cùng ăn với con.

Bé Lâm Anh Thư - học sinh lớp 2 Trường tiểu học Linh Tây (Thủ Đức) - kể mỗi mùa Trung thu bé thích nhất là được vui chơi cùng các bạn, xem múa lân, xem xiếc, chơi lồng đèn và ăn bánh trung thu.

Chị Ngô Thị Xuân Lý (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng đưa con mình đến những địa điểm như sân chơi của khu phố, nhà thờ để bé chơi Trung thu cùng các bạn.

Tuy thế, chị vẫn cho rằng Trung thu ngày xưa “vui hơn nhiều” vì dù còn rất nhỏ nhưng cả đám con nít vẫn tự làm lồng đèn và chơi đùa cùng nhau.

“Còn bây giờ thì chỉ đi mua là chính. Lồng đèn bây giờ cũng không đẹp như xưa”, chị Lý tiếc nuối.

TS Nguyễn Nhã cho rằng không quá khó để từng nhóm nhỏ tụ họp lại với nhau cùng chơi rước đèn, cùng phá mâm cỗ dành cho trẻ con trong ngày Tết Trung thu. Nếu mỗi nơi đều làm thì trẻ con sẽ có được ngày Tết Trung thu đúng nghĩa.

“Ngay tại nhà tôi, mỗi năm đều tổ chức làm bánh dẻo và cho các cháu nhỏ rước đèn, ăn bánh cùng nhau”, TS Nguyễn Nhã chia sẻ thêm.

Tán đồng, anh Vĩ Nhánh đề xuất nên dạy các em cách làm những món đồ chơi theo kiểu truyền thống, tạo không gian để trẻ sáng tạo theo ý thích và trí tưởng tượng của mình.

Bánh biếu tốn cả tấn thóc

Ngày nhỏ tụi mình ao ước bao giờ cho đến…Trung thu. Đó là một đêm đầy ám ảnh về tình thân, về sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng với con trẻ. Lũ chúng tôi hớn hở chờ trăng lên cùng nhau kéo khắp làng rước đèn, ca hát theo nhịp trống tùng chinh chinh, tùng tùng chinh chinh. Về đến sân hợp tác đã thấy những mâm cỗ bày sẵn dưới trăng mà cứ tưởng chốn thần tiên. Cả lũ ùa vào sân, cùng nhau phá cỗ Trung thu. Thỏa thuê ăn bánh nướng, bánh dẻo, rồi thì chuối ngọt, bưởi chua…

Đáng buồn là ngày nay người ta đã làm biến tướng ý nghĩa cao đẹp của Tết Trung thu. Người lớn lợi dụng dịp này để bày tỏ với nhau mối “thâm tình” qua những hộp bánh có khi đến tiền triệu. Đó là một cách ứng xử lệch chuẩn, tranh thủ dịp này để tặng quà, biếu xén mong thăng tiến hay trục lợi…Thật ra trẻ con đâu có cần những hộp bánh có giá bạc triệu mà quy ra… thóc tốn cả tấn như vậy!

Và tôi cũng nghe nói các hộp bánh đắt như vàng, người nghèo không sao mua nổi cứ chạy lòng vòng từ người nọ sang người kia. Thói quen tặng quà trung thu đắt tiền chỉ người lớn biết và thực hiện, chứ con trẻ đâu biết, đâu cần như vậy. Tôi nghĩ đó là một sự tha hóa về ứng xử, làm giảm đi ý nghĩa mùa Trung thu khi nhiều gia đình đời sống thu nhập thấp phải méo mặt chạy đua mua những hộp bánh đắt tiền làm quà, biếu sếp, biếu người thân.

Theo vài con số thống kê, hằng năm cả nước đã chi tiêu cho việc sản xuất tiêu thụ hàng ngàn tấn bánh trung thu, tốn hàng trăm tỉ đồng. Và làm gì phải trưng bán bánh trung thu từ cả mấy tháng trước. Cái đó là một dấu hiệu của tính thực dụng, của thói lãng phí xa hoa và làm mất ý nghĩa đêm Trung thu. Đâu cần như vậy!

Theo tôi, Tết Trung thu nên tổ chức tập thể cho trẻ em ở làng, ở phố với những mâm cỗ có bánh nướng, bánh dẻo và các loại quả đặc trưng như bưởi, na, ổi…

Nhà thơ Tân Linh

Đặng Tươi- An Nhiên-Khoa Nguyễn/Tuổi Trẻ Online

 

Chia sẻ bài viết