Tiếng Việt | English

26/10/2021 - 02:45

Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em

Theo các chuyên gia, thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thừa cân, béo phì gặp ở cả nam lẫn nữ và các lứa tuổi, nhất là ở trẻ em. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì là việc làm cần thiết.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng là một trong những giải pháp giúp trẻ phát triển toàn diện

Bổ sung vi chất dinh dưỡng là một trong những giải pháp giúp trẻ phát triển toàn diện

Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật trong cơ thể như thoái hóa khớp, đau thắt lưng; bệnh hệ nội tiết và chuyển hóa có thể dẫn tới bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu; bệnh hệ tim mạch, hệ hô hấp. Thừa cân, béo phì còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, trẻ tự ti do bị bạn bè chế giễu. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Béo phì ở trẻ em là một trong những gánh nặng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... thì bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn và thời gian điều trị kéo dài.

Để phòng, chống thừa cân, béo phì, ngày 25/9/2021, Bộ Y tế tổ chức phát động chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam với chủ đề “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI (chỉ số khối cơ thể) - Đồng hành dinh dưỡng cùng con trong mùa dịch”.

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020). Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài khiến trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn cũng như có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.

Vừa qua, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị chuyên môn, tổ chức trong và ngoài nước. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Một trong số các mục tiêu quan trọng là khống chế thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh, thiếu niên và người trưởng thành.

Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11%, khu vực nông thôn ở mức dưới 7%); trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27%, khu vực nông thôn ở mức dưới 13%).

Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Tại Long An, hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về dinh dưỡng phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em luôn được chú trọng. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc hình thành thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh.

Chị Nguyễn Thị Yến (phường 7, TP.Tân An) chia sẻ: “Từ lúc mang thai, tôi đã có chế độ dinh dưỡng cân bằng để tăng cân hợp lý cho cả mẹ và bé. Tôi cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú kéo dài đến khi bé được 24 tháng. Khi đến độ tuổi ăn dặm, tôi cho bé ăn đủ số bữa, khẩu phần ăn cân đối, phối hợp nhiều nhóm thực phẩm. Vì vậy, con tôi phát triển cân đối về chiều cao lẫn cân nặng”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để tránh thừa cân, béo phì ở trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cho trẻ ăn đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng. Nếu trẻ đã thừa cân, béo phì, cần cắt bớt chất béo, bột đường trong khẩu phần ăn; hạn chế tối đa các thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên, đồ ngọt,...

Đồng thời, bổ sung đủ trái cây, rau xanh, tăng cường vận động cho trẻ ít nhất 1 giờ/ngày, cho trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 22 giờ để tăng cường phát triển chiều cao. Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi các chỉ số của con, nhất là chỉ số BMI để giúp con phát triển cân đối.

Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh, người nuôi dưỡng trẻ cần tìm hiểu đầy đủ về thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam. Từ đó, có những kiến thức, biện pháp dinh dưỡng hợp lý, lối sống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ, hướng tới mục tiêu nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em cũng như góp phần nâng cao chất lượng dân số./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích