Tiếng Việt | English

09/01/2018 - 19:41

Thừa cân, béo phì ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Thừa cân, béo phì (TC, BP) ở trẻ em dưới 5 tuổi đang gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở các gia đình có thu nhập cao và cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu, trẻ được cung cấp năng lượng qua ăn uống nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, trong khi đó, mức tiêu hao năng lượng lại ít do thiếu vận động.

Cán bộ y tế trao đổi với nhau về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ thừa cân, béo phì

Phòng, chống thừa cân, béo phì còn khó khăn

Xác định tỷ lệ TC, BP tại TP.Tân An, tỉnh Long An có xu hướng tăng nhanh và khó khống chế so với các địa phương khác, cán bộ phụ trách chương trình trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, vãng gia, nấu ăn trình diễn, cân, đo trẻ mỗi tháng,... Tuy nhiên, tỷ lệ TC, BP hiện có xu hướng tăng nhanh. Toàn TP.Tân An có 320/8.966 trẻ dưới 5 tuổi TC, BP (chiếm 3,56%). Trong khi, năm 2016, tỷ lệ này chỉ chiếm 1,75%.

Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế TP.Tân An - nữ hộ sinh Lương Thị Tuyết Vân cho biết: TP.Tân An có 83 cộng tác viên y tế phụ trách chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, TC, BP. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% lực lượng này nhiệt tình với công tác do kinh phí bồi dưỡng cộng tác viên còn thấp (mỗi tháng 20.000 đồng, nhưng cuối năm mới được nhận khoản tiền này).

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khách quan khiến công tác phòng, chống TC, BP gặp không ít khó khăn. Nhiều người còn quan niệm, trẻ “mập” mới khỏe. Vì vậy, cố ép trẻ ăn, lâu ngày, dạ dày trẻ lớn dần, tạo cho trẻ thói quen ăn nhiều hơn nhu cầu.

Chị N.T.T.A, ngụ phường 1, TP.Tân An, có con trong giai đoạn TC, BP, quan niệm: “Trẻ nặng cân một chút chắc cũng không sao! Bởi, con tôi dễ nuôi, dễ ăn, uống nên mập mạp và ít bệnh vặt”.

Nhiều gia đình khó kiểm soát được chế độ ăn, uống của trẻ. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ngụ phường 2, TP.Tân An, chia sẻ: Biết là trẻ rơi vào TC, BP nhưng gia đình buôn bán nên ít có thời gian chế biến thức ăn dành riêng cho trẻ. Trẻ học bán trú nên ăn ở trường, ở nhà thì ăn chung gia đình nên trẻ ăn theo nhu cầu.

Thường xuyên đo trẻ để theo dõi sức khỏe và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ

Ảnh hưởng của thừa cân, béo phì

Những năm qua, cán bộ y tế cơ sở cũng như y tế trường học đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho đội ngũ giáo viên, tư vấn vãng gia trực tiếp từng hộ gia đình nhằm giúp họ có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ dưới 5 tuổi. Thế nhưng, tỷ lệ TC, BP ở Long An đang có xu hướng tăng nhanh. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Hà Nội, năm 2014, tỷ lệ TC, BP ở Long An là 7,9%; năm 2015 là 9,8%; năm 2016 là 9,5%, năm 2017 dưới 9,8%.

Trường Mẫu giáo Sơn Ca (phường 1, TP.Tân An) hiện có 8 lớp, 237 trẻ. Đây là một trong những trường có nhiều giải pháp trong thực hiện phòng, chống TC, BP. Thế nhưng, trường còn 5 trẻ TC, BP. Nhân viên y tế Trường Mẫu giáo Sơn Ca - Trần Văn Lý thông tin: “Đối với trẻ TC, BP, chúng tôi thường xuyên tư vấn phụ huynh hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột, tăng cường các hoạt động thể dục - thể thao. Nhà trường chú trọng cân, đo và theo sát khẩu phần ăn đối với trẻ TC, BP. Trong khi ăn, nếu trẻ đòi ăn thêm thì cho ăn trái cây, uống nước,...”.

Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Long An - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Sa cho biết: “Trẻ TC, BP dễ mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường,... Trẻ còn dễ rối loạn giấc ngủ, dễ bị chứng ngừng thở lúc ngủ; nguy cơ dậy thì sớm hoặc rối loạn kinh nguyệt, có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản về sau và hạn chế chiều cao của trẻ,... Do ảnh hưởng TC, BP đến sức khỏe của trẻ chưa biểu hiện trước mắt nên phụ huynh, người nuôi trẻ chưa thấy được sự cần thiết phải phòng, chống”.

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong dự phòng và kiểm soát TC, BP. Phần lớn, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn đều là bán trú, vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn tại trường góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống TC, BP. Các trường cần kiểm tra việc tổ chức chế độ ăn cho trẻ, nhất là trẻ TC, BP. Hoạt động thể lực hợp lý còn góp phần quan trọng dự phòng và điều trị TC, BP cho trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần rèn luyện cho trẻ thói quen và lối sống tích cực: Chơi thể thao, tham gia các trò chơi vận động nhiều, đi xe đạp, hạn chế xem tivi,...

Cán bộ y tế các cấp cần tổ chức cân, đo định kỳ và vẽ biểu đồ tăng trưởng nhằm sớm phát hiện, theo dõi và quản lý trẻ TC, BP. Nhà trường cần tăng cường các hoạt động thể lực cho trẻ trong các giờ nghỉ giải lao, giữa các tiết, tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Mục tiêu trong kế hoạch Đề án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em giai đoạn 2016-2020 là khống chế tỷ lệ TC, BP ở trẻ dưới 5 tuổi còn dưới 8% (cả nước dưới 10%) vào năm 2020. Để đạt mục tiêu này, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, vãng gia, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng,... nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng TC, BP và ảnh hưởng của TC, BP đối với sức khỏe của trẻ. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non, mẫu giáo, người chế biến thức ăn
cho trẻ,...

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Sa khuyến cáo: Phụ huynh cần đưa trẻ khám chuyên khoa dinh dưỡng để được kiểm tra, đánh giá toàn diện và tư vấn chế độ ăn, uống, luyện tập giúp trẻ thoát khỏi TC, BP càng sớm càng tốt. Chế độ ăn cho trẻ TC, BP phải đầy đủ dưỡng chất thiết yếu để trẻ phát triển chiều cao và hoàn thiện các chức năng của cơ thể, không bắt trẻ nhịn ăn để giảm cân vì trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Không để các thức ăn cám dỗ trẻ như kẹo, bánh, nước ngọt trong nhà, không dùng thức ăn làm phần thưởng cho trẻ. Nên chuẩn bị sẵn những thức ăn ít năng lượng để trẻ ăn khi thấy đói như các loại trái cây ít ngọt, các cuốn gỏi nhiều rau, khoai luộc, sương sáo không đường,...

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia các môn thể thao: Bơi lội, cầu lông, bóng rổ, đạp xe, chạy bộ,... vừa giúp trẻ tiêu hao năng lượng, giảm lượng mỡ thừa, vừa nâng cao sức khỏe và phát triển chiều cao.

Chế độ ăn, uống và vận động hợp lý là “chìa khóa” trong việc đẩy lùi TC, BP ở trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần thay đổi quan niệm về sức khỏe của trẻ. Trẻ khỏe là trẻ phát triển cân đối, có chiều cao, cân nặng trong giới hạn bình thường theo độ tuổi./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết