Tiếng Việt | English

28/05/2018 - 10:43

Quản lý an toàn thực phẩm - Tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm

Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và đòi hỏi chính đáng của mọi người. Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP còn nhiều khó khăn, bất cập.

Còn nhiều bất cập

Thực phẩm chính là nguồn duy trì sự sống cho mỗi người. Vì vậy, việc bảo đảm ATTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế cho thấy, công tác bảo đảm ATTP luôn là nỗi trăn trở và trách nhiệm lớn của các cấp, các ngành. Nhằm tăng cường công tác QLNN về ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm được thành lập từ Trung ương đến địa phương.

Tháp tùng cùng Đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tỉnh Long An trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2018, chúng tôi ghi nhận, công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các bếp ăn tập thể cho công nhân, lao động và học sinh còn nhiều bất cập. Vi phạm chủ yếu vẫn là: Ghi sổ kiểm tra thực phẩm 3 bước không đầy đủ; không có biện pháp phòng, chống côn trùng, động vật gây hại; không thu gom rác thải. Đặc biệt, đầu vào nguyên liệu chế biến của các bếp ăn tập thể không quản lý được, không truy xuất được nguồn gốc, nhất là thực phẩm tươi sống. Việc lưu mẫu thực phẩm thức ăn chế biến tại các bếp ăn chưa đúng quy định. Các cơ sở sản xuất, chăn nuôi còn sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh,... Đoàn kiểm tra kịp thời phát hiện, hướng dẫn và lập biên bản xử lý các cơ sở vi phạm đúng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường hậu kiểm, giám sát chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Mận

Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường hậu kiểm, giám sát chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Mận

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - bác sĩ Phạm Văn Luân thông tin: “Nhiều cơ sở do chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ các điều kiện ATTP, mua và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp”, việc kiểm tra cũng gặp một số khó khăn. Theo Chỉ thị 20, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp và báo trước khi đến kiểm tra. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước nên việc thanh tra, kiểm tra chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Còn đối với các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ, điều kiện sản xuất, kinh doanh còn gắn với sinh hoạt gia đình, khó kiểm soát phụ gia dùng trong chế biến. Năng lực kiểm tra về phụ gia, chất bảo quản của cơ quan QLNN về ATTP còn hạn chế. Vì vậy, việc quản lý thức ăn đường phố chưa đạt hiệu quả cao.

Hiện, nhận thức của người tiêu dùng dù được nâng cao nhưng chưa đủ chuyên môn lựa chọn thực phẩm an toàn. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến người dân phản ánh việc QLNN về ATTP. Bà Lê Thị Kim Loan, ngụ khu phố 5, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, mong muốn: “Ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với thực phẩm không an toàn, kém chất lượng nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân; đồng thời, có giải pháp tuyên truyền giúp người dân lựa chọn thực phẩm chất lượng”.

Tình hình trên, nhất là việc không quản lý được nguồn gốc thực phẩm làm gia tăng nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm không chỉ là các vụ ngộ độc cấp tính có thể phát hiện, xử lý ngay mà còn là ngộ độc mãn tính do tích tụ các chất độc hại từ nguồn thực phẩm không an toàn.

Tăng cường hậu kiểm

Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Nghị định này nhằm thay đổi căn bản cách quản lý về ATTP, được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đặt vấn đề bảo đảm sức khỏe người dân lên hàng đầu. Theo đó, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố đến các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.

Bác sĩ Phạm Văn Luân cho biết thêm: “Cơ quan QLNN về ATTP sẽ tăng cường hậu kiểm, tăng tần suất kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Mục đích cuối của hậu kiểm nhằm giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm phù hợp quy phạm pháp luật”.

 Các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn sẵn cần tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm

Các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn sẵn cần tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm

Có thể nói, để công tác QLNN về ATTP hiệu quả cao cần tập trung tuyên truyền; kiểm tra lấy mẫu nguyên liệu, giảm bớt kiểm tra thủ tục hành chính, phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về ATTP tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đức Hòa là huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp nên việc tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP cấp huyện, xã luôn được quan tâm. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - bác sĩ Lê Văn Xành cho biết: “Bên cạnh việc xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, chúng tôi tập trung tuyên truyền kịp thời những quy định về bảo đảm ATTP tại các khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, các chợ,...; tăng cường triển khai hậu kiểm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thức ăn sẵn, dịch vụ ăn uống,...”.

Vấn đề bảo đảm ATTP tại các trường học cũng được quan tâm thực hiện. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Bình (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) - Nguyễn Thị Kim Long chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng vấn đề bảo đảm ATTP trong tất cả các khâu; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra các quy trình chế biến từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, lưu mẫu thức ăn, lập hồ sơ lưu mẫu,... không để xảy ra ngộ độc thực phẩm”.

Bảo đảm ATTP cho cộng đồng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần sự chung sức, chung lòng, phối hợp thực hiện nhịp nhàng và tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. các cơ quan QLNN về ATTP và chính quyền các cấp cần thực tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý./.

Trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2018, các đoàn thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm những vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Theo đó, đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra 4.325 cơ sở, có 887 cơ sở vi phạm, trong đó có 14 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 39 triệu đồng. Hiện, còn 15 cơ sở chưa có kết quả kiểm nghiệm.

Riêng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Kết quả, đoàn kiểm tra 23 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt 20 triệu đồng.

Ngọc Mận - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết