Từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ sạt lở ở Tân Trụ
Chỉ trong 3 ngày từ 26 đến 29/02/2020, trên địa bàn đã liên tiếp xảy ra 5 vụ sạt lở. Chẳng hạn, vụ sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất và một số cây trồng bảo vệ bờ xuống sông. Quy mô sạt lở dài 40m, sâu vô bờ 10m và đang tiến sát đến gần nhà dân (cách nhà kiên cố 6m, sát nhà tắm, chuồng nuôi của gia đình).
Hay vụ sạt lở bờ sông Rạch Dừa, ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tại vị trí sạt lở đất theo hướng dốc thẳng đứng, tạo thành hàm ếch, chiều dài sạt lở khoảng 200m, làm 1 căn nhà bị nứt vách tường và làm mất lối đi vào đình Phước Thới. Trong khu vực hiện có 12 hộ dân sinh sống. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, vị trí sạt lở trong khu vực đoạn sông cong, lõm, chịu tác động của dòng chảy đáy nên nguy cơ sạt lở sẽ ngày càng tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đình Phước Thới.
Ngoài ra, vụ sạt lở khu vực cống Nhật Tảo, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ làm sập gần như hoàn toàn bờ kênh phía thượng lưu cống xuống sông Nhật Tảo. Đoạn sạt có chiều dài 30m, sâu vô 10m, chiều sâu xuống hố sạt 6m dạng hàm ếch làm ảnh hưởng an toàn tính mạng người dân khi đi qua khu vực (trong khu vực có 6 hộ dân sinh sống và đi lại qua khu vực này). Tiếp theo đó, vụ sạt lở bờ sông Tấn Đức, ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ thuộc hệ thống sông Nhật Tảo. Vết sạt dài 50m, sâu 6m làm cắt đứt đường giao thông đi lại của người dân trong vùng và gây thiệt hại 2 ao cá của người dân. Còn vụ sạt lở tại Rạch Cây Sáo, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ với chiều dài sạt lở 20m làm thiệt hại 2 ao cá của người dân, ước kinh phí thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Đặc biệt, trong tháng 3/2020, liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở khác cặp các tuyến kênh, rạch trong khu vực hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ, làm bồi lấp lòng kênh, mất đất của người dân khu vực gần kênh, rạch. Đơn cử, vụ sạt lở, sụp lún đất xảy ra gần khu vực sông Vàm Cỏ Tây, ấp Vườn Xoài, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, với chiều dài khoảng 50m, chiều rộng từ mép sông đến vị trí rạn nứt và sụp lún
khoảng 12m, sụp lún với độ sâu từ 0,8-1m so với hiện trạng.
Khi các ngành chức năng, địa phương đang cố gắng có biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại tại các khu vực trên thì khuya ngày 05 và 06/5/2020 lại xảy ra ở cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây, ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa. Ông Nguyễn Văn Năm - người dân nơi đây, cho biết: “Vụ sạt lở này cuốn trôi 3.150m3 đất của gia đình xuống sông và một số cây trồng trên đất. Chiều dài sạt lở khoảng 45m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 7m (dạng hàm ếch), chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng 10m”.
Sạt lở khu vực cầu Kênh Nước Mặn, huyện Cần Đước đã xảy ra nhiều năm qua
3 ngày sau, sạt lở lại xảy ra tại bờ Kênh Nước Mặn, ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Tại vị trí sạt lở bờ kênh cách cầu Kênh Nước Mặn khoảng 200m về hướng sông Rạch Cát, làm ảnh hưởng đến phần đất của người dân. Chiều dài khu vực sạt lở khoảng 20m, lấn sâu vào bờ khoảng 4m, hiện có rãnh nứt, nguy cơ sạt lở tiếp khoảng 50m. Vụ sạt lở đã làm hư hại hoàn toàn một lối đi công cộng cặp bờ kênh và một phần sân trước của một hộ dân.
Gần đây nhất, vào ngày 27/8/2020, sạt lở tại bờ kênh 30/4 và cầu liên ấp thuộc ấp 2A-2B, xã Tân Ân, huyện Cần Đước một đoạn dài khoảng 41m, độ sâu sụt lún gần 1m, dạng hàm ếch và làm xuất hiện vết nứt trên mặt đường bêtông trên bờ kênh, có nguy cơ sạt lở mặt đường gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường. Ngoài vị trí sạt lở trên, hiện khu vực này còn nhiều điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở, đặc biệt vị trí tại cầu 30/4.
“Tuyến đường giao thông liên xã Tân Ân - Phước Tuy được nâng cấp, mở rộng, tráng xi măng trong năm 2018 có rất nhiều phương tiện tham gia lưu thông. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đã làm ảnh hưởng nặng nề đến công trình” - bà Nguyễn Thị Kim Nhạn - nhà ở gần khu vực sụt lún, chia sẻ.
Các vụ sạt lở trên đã được ngành chức năng khảo sát hiện trường và đánh giá nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Đơn cử như vụ sạt lở tại bờ kênh 30-4, xã Tân Ân, huyện Cần Đước là do ảnh hưởng của việc tiêu thoát nước mưa vào những ngày mưa nhiều, kết hợp cống Bến Trễ mở để điều tiết nước và cống Cầu Chùa được đầu tư mới với khẩu độ lớn. Đặc biệt, đoạn ngay cầu 30-4, do trụ cầu khi được đầu tư xây dựng không xuôi thuận theo tuyến kênh nên hướng dòng chảy xoáy vào bờ kênh gây nguy cơ sạt lở rất cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phát triển nông thôn - Võ Kim Thuần, thời gian qua, Trung ương đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án chống sạt lở như Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; Dự án Kè thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ; Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An;...
Đồng thời, tỉnh còn rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng khác, kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để xây dựng; trong đó, phải kể đến các việc xử lý sạt lở bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, với dự trù kinh phí khoảng 35 tỉ đồng; xử lý chống sạt lở kênh Dương Văn Dương (đoạn từ ngã ba Tuyên Nhơn đến cầu Bún Bà Của, Quốc lộ 62), kinh phí khoảng 20 tỉ đồng; kè sông Bảo Định (đoạn cống kênh vành đai đến đường Võ Văn Môn) đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND, ngày 13-4-2020. Hiện nay, đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành về phương án thiết kế, kinh phí ước khoảng 70 tỉ đồng. Dự án xử lý chống sạt lở khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, kinh phí khoảng 35 tỉ đồng,.../.
Lê Đức