Phiên tòa xét xử Trần Quốc Quân vả đồng phạm được áp dụng số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu chứng cứ
Rõ ràng chứng cứ buộc tội
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An phối hợp Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa vụ án “Cướp tài sản” giữa 2 băng nhóm giang hồ ngoài tỉnh xảy ra trên địa bàn huyện Đức Hòa ra xét xử sơ thẩm. Đây là 1 trong số 10 phiên tòa được ngành kiểm sát tỉnh sử dụng hồ sơ bản án được “số hóa” và chứng cứ “điện tử”. Trong đó, việc xét xử, làm rõ chứng cứ được áp dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video. Điều đáng nói, mặc dù các bị cáo đã khai nhận tại cơ quan điều tra nhưng khi đưa ra xét xử lại đồng loạt phản cung, tố cáo bị ép cung nhục hình.
Theo hồ sơ vụ án, do thiếu nợ tiền mua thuốc lá ngoại của Nguyễn Văn Ca (25 tuổi), ngụ huyện Đức Huệ nên Đặng Minh Chung (33 tuổi), tạm trú tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lên kế hoạch đi sang địa phận cửa khẩu Tho Mo, huyện Đức Huệ gặp anh Ca giải quyết phương án trả nợ và tìm sơ hở của những người đi buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại để cướp bán lấy tiền trả nợ. Ngày 17/6/2017, Đặng Minh Chung rủ Lại Văn Lương (33 tuổi), Đặng Vũ Tấn (31 tuổi) cùng ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và 2 người bạn khác là Phan Thành Tài, Ngụy Văn Quyền chuẩn bị thuê ôtô, đồng thời rủ thêm Phạm Thành Công mang theo vũ khí quân dụng đi sang địa phận Tho Mo. Cùng thời gian này, Trần Quốc Quân (35 tuổi), ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai điện thoại gặp Nguyễn Văn Ca hỏi mua thuốc lá ngoại và được Ca đồng ý. Khi đi mua thuốc, Quân lấy theo một khẩu súng Rulo rồi điều khiển ôtô hiệu Inova biển số 51G-242.58 đón Nguyễn Nguyên Duy Phong cùng đi vận chuyển thuốc lá ngoại. Đến địa phận xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Quân cho Phong xuống xe để canh gác công an, còn Quân điều khiển xe đến chợ Tho Mo gặp Ca mua 1.500 cây thuốc lá ngoại các loại. Cùng đi với Quân còn có Huỳnh Thanh Phương (vợ Quân) và Lê Văn Nhã mượn xe Ford bán tải biển số 60C-260.13 cùng đến khu vực xã Hiệp Hòa trả tiền canh đường và chờ để hộ tống cho Quân chở thuốc lá ngoại về Đồng Nai.
Đến 2 giờ 30 phút, ngày 18/6/2017, Lương và Công phát hiện ô tô của Quân từ khu vực chợ Tho Mo đi ra có chở thuốc lá lậu nên Lương điện thoại báo cho Chung biết. Tình cờ qua biển số xe, Chung biết Quân từng dùng súng cướp xe thuốc lá của Chung tại địa phận tỉnh Bình Dương nên dặn Lương và Công phải bám theo, còn Chung điều khiển xe chở Tài, Quyền điều khiển xe chở Tấn đi ra khu vực thị trấn Hậu Nghĩa chờ xe của Quân đến. Nửa tiếng sau, xe Quân đi đến thị trấn Hậu Nghĩa, Chung phát hiện xe 51G-242.58 chở thuốc lá ngoại của Quân đi trước liền cùng đồng bọn truy đuổi theo. Sau khi rượt đuổi đến khu vực ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, do Nhã điều khiển xe Ford cản đầu không cho xe của nhóm Chung vượt lên nên Công lấy súng ra bắn 3 phát vào ô tô của Nhã để Chung vượt lên. Lúc này, do các xe của 2 nhóm tông vào nhau nên xe của Nhã và Chung tắt máy không thể di chuyển. Thừa cơ hội, Lương điều khiển ô tô biển số 51A-430.87 chạy vượt lên ngang xe của Quân. Đúng lúc này, Quân lấy khẩu súng Rulo để tại hộp số xe bắn 2 phát vào xe do Lương điều khiển rồi bỏ chạy về hướng Củ Chi. Còn nhóm của Chung cũng bỏ xe tại hiện trường rồi quay về Đồng Nai.
Vụ việc sau đó được Công an huyện Đức Hòa thụ lý, giải quyết. Các đối tượng sau đó bị TAND huyện Đức Hòa xét xử với mức án từ 1 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội “Cướp tài sản” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Tuy nhiên sau đó, VKSND tỉnh đã kháng nghị bản án do còn rất nhiều tình tiết trong vụ án chưa được cơ quan điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra dựng lại hiện trường vụ 2 bên bắn súng vào nhau, chưa tổ chức giám định pháp y các dấu vết trúng đạn trên xe ô tô để xác định dấu vết và đường đi của 5 viên đạn bắn ra từ 2 khẩu súng của Công và Quân làm căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo. Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và kết luận việc Trần Quốc Quân từng nhiều lần tổ chức cướp thuốc lá lậu trên địa bàn huyện Đức Hòa, Đức Huệ.
Tại phiên tòa sơ thẩm được xét xử lại mới đây về tội “Cướp tài sản”, Trần Quốc Quân và 9 đồng phạm đã tố cáo điều tra viên trong quá trình hỏi cung đã mớm cung, ép cung, nhục hình. Để bảo đảm quyền lợi của các bị cáo cũng như có căn cứ để xác định các hành vi phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã triệu tập điều tra viên trong vụ án đến phiên tòa đối chất cũng như phối hợp VKSND kết hợp trình chiếu chứng cứ, tài liệu trong quá trình xét xử. Các chứng cứ có trong vụ án cũng như quá trình khai nhận của các bị cáo tại Cơ quan điều tra đã được công khai bằng video tại phiên tòa. Điều đáng nói, trái với lời tố cáo của các bị cáo, nội dung các video được công bố cho thấy, trong quá trình lấy lời khai các bị cáo đều có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo đều tự khai, không có dấu hiệu ép cung, nhục hình. Đây cũng là căn cứ để Hội đồng xét xử TAND tỉnh củng cố tính xác thực của các chứng cứ trong vụ án, cũng như quyết định hình phạt cho các bị cáo. Sau phiên xử, bị cáo Trần Quốc Quân đã bị TAND tỉnh tuyên phạt mức án 18 năm tù, các bị cáo khác cũng bị tuyên phạt mức án từ 7-13 năm tù.
Theo Chánh Văn phòng VKSND tỉnh - Võ Thành Đủ, từ đầu năm 2019 đến nay, VKSND tỉnh và TAND tỉnh đã phối hợp thực hiện 10 phiên tòa có áp dụng trình chiếu chứng cứ, số hóa hồ sơ, trong đó có 6 phiên tòa hình sự và 4 phiên tòa dân sự. Đặc biệt, việc áp dụng hình thức này trong các phiên tòa hình sự đã phản ánh đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội; tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo gây ra, giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình đối đáp, tranh luận, đưa ra các quan điểm chính xác và có tính thuyết phục cao khi thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, giúp hội đồng xét xử đưa ra những bản án đúng người, đúng tội, có sức thuyết phục cao.
Một số phiên tòa khác được áp dụng số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu chứng cứ
Đáp ứng yêu cầu cải các tư pháp
Theo đánh giá của VKSND tỉnh, việc tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đã góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng; được Hội đồng xét xử ghi nhận và đánh giá cao về kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu, rộng đến quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, việc thực hiện số hóa hồ sơ sẽ không phải in ấn, chuyển hoá các chứng cứ điện tử thành giấy tờ, tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ, tiết kiệm diện tích và chi phí lưu trữ, sẽ không giảm về mặt vật lý, hoá học của tài liệu gốc theo thời gian. Đồng thời, việc số hóa hồ sơ còn giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn. Ông Võ Thành Đủ khẳng định: “Việc trình chiếu công khai các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa không chỉ có hiệu quả trong việc chứng minh tội phạm, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội mà còn giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm sát viên. Áp dụng số hóa vụ án, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa cũng giúp việc tranh luận trong phiên tòa được dân chủ, khách quan, việc xét xử được công khai, minh bạch. Đây cũng là bước đột phá của VKSND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp”.
“Hiện nay, sau quá trình thực hiện thí điểm, VKSND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo TAND và VKSND 2 cấp thực hiện việc số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ trong toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để các đơn vị mua sắm trang thiết bị phục vụ việc số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ” - ông Võ Thành Đủ cho biết thêm./.
Thụy Anh