Được sử dụng rộng rãi
Những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Với chiếc điện thoại thông minh cài đặt một số ứng dụng công nghệ số như Internet Banking, VNPay, mã QR,..., người dùng dễ dàng thanh toán các giao dịch một cách đơn giản, nhanh chóng nếu trong tài khoản thẻ ngân hàng cá nhân có tiền.
Bên cạnh đó, chỉ cần ngồi ở nhà, người dân vẫn dễ dàng mua được hàng hóa, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí, thủ tục hành chính,... chỉ với một số thao tác trên điện thoại di động hoặc nhấp chuột máy tính.
Thời gian qua, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng rộng rãi, phổ biến tại các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học,... và trong đời sống xã hội từ thành thị đến nông thôn vì sự tiện lợi, an toàn. Đặc biệt, ngoài người trẻ, thanh toán và tiếp nhận thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt cũng ngày càng có nhiều người lớn tuổi sử dụng.
Hiện tại, thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng rộng rãi
Tại Long An, không chỉ ở các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tiện lợi mà ở các chợ truyền thống, phòng khám, tiệm thuốc, quán cơm, cà phê, cửa hàng tạp hóa,... đều có mã QR để khách hàng tiện sử dụng khi thanh toán. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản như trước, người dùng chỉ cần quét mã QR, các thông tin được tự động điền nên hình thức này ngày càng được nhiều người sử dụng.
Chị Lê Thị Thu Lan (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) hơn 1 năm trước chủ yếu sử dụng tiền mặt. Gần đây, bắt nhịp xu hướng phát triển, chị thay đổi phương thức thanh toán các dịch vụ, chủ yếu sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số. "Khi đi mua sắm, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, mọi giao dịch được thanh toán một cách dễ dàng, tránh các rủi ro khi sử dụng tiền mặt. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng nên tôi dần làm quen và sử dụng" - chị Lan chia sẻ.
Quản lý quán cà phê Gu (phường 2, TP.Tân An) cho biết, nhu cầu thanh toán bằng cách quét mã QR của khách hàng ngày càng nhiều bởi hình thức này rất tiện lợi, đỡ phải tìm tiền lẻ để thối lại cho khách hoặc ngược lại.
Trong xu thế thời đại công nghệ 4.0, tại tỉnh, việc thanh toán, chi trả qua ngân hàng cũng được triển khai, thực hiện ở các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học,... với phương thức phù hợp. Theo đó, các khoản phí, lệ phí, tiền điện, nước, học phí, viện phí, trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước,... cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi, đỡ mất thời gian đi lại.
Đẩy mạnh thực hiện đề án
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, hội viên, người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều địa phương triển khai xây dựng, thực hiện mô hình đoạn đường, khu phố, khu chợ thanh toán không dùng tiền mặt khi mua, bán. Cũng vì vậy, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trở nên thịnh hành, nhất là đối với những người trẻ.
Để phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, địa phương, các ngành liên quan, đoàn thể phối hợp các tổ chức tín dụng tại địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến cho người dân đẩy mạnh thanh toán các khoản phí, lệ phí, tiền điện, nước, học phí, viện phí, trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước,... qua các ứng dụng số của ngân hàng.
Các cấp, các ngành, địa phương chủ động đề ra các giải pháp, tổ chức triển khai, thực hiện bằng các hình thức phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm các mục tiêu đã đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, theo dõi việc thực hiện. Từ đó, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương thức điện tử theo chỉ đạo của Hội sở và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch của khách hàng. Cùng với đó, khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành ngày 30/8/2022 đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Ngoài ra, tỉnh cũng đề ra các mục tiêu cụ thể trong tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công.
Ngày 19/9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tăng cường thực hiện nghiêm túc Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 mà UBND tỉnh đã ban hành ngày 30/8/2022. Ngoài ra, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng.
“Các cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng” - ông Huỳnh Văn Sơn chỉ đạo.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, khi thanh toán không dùng tiền mặt, người sử dụng cũng cần lưu ý không để lọt lộ thông tin cá nhân; tuyệt đối không cung cấp mật khẩu cho bất kỳ ai; đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email; xác định và kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người trao đổi mã QR; xem xét kỹ nội dung trang web mà mã QR đưa tới để tránh bị chiếm đoạt tài sản./.
|
Hiện nay, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến bởi sự tiện lợi.
|
Lê Đức