Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF - Ảnh: TTXVN
TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng việc Thủ tướng chọn ba chủ đề: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, công nghệ bán dẫn và hệ sinh thái là không ngẫu nhiên vì Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới, vừa cần tăng tốc vừa cần dựa nhiều hơn vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là bắt kịp các xu hướng phát triển của thế giới.
Cơ hội lớn cho kết nối, hợp tác
Theo ông Thành, ba lĩnh vực này không phải tất cả nhưng nó vừa cụ thể theo nghĩa những ngành, lĩnh vực ẩn chứa công nghệ cao vừa là xu hướng của tương lai. Việt Nam cũng đang có những lợi thế nhất định ở các lĩnh vực đó.
Trong nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản và làm sâu sắc hơn mối quan hệ rất quan trọng với Trung Quốc gần đây, Việt Nam đều nhắc tới sự hợp tác trong ba lĩnh vực này, gắn với đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược FDI vào ba lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng đang tiếp cận chúng theo những cách khác nhau. Với sức hấp dẫn mới của Việt Nam, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) là cơ hội để chúng ta kết nối, thu hút sự quan tâm của các tập đoàn toàn cầu đến Việt Nam và kết nối với doanh nghiệp Việt.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là tạo ra ưu đãi mà còn phải bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh, thực thi các cam kết quốc tế, phù hợp với những đòi hỏi mới từ các nhà đầu tư lớn, có chất lượng. Ví như hạ tầng số phải tốt, môi trường xanh cho sản xuất kinh doanh và chuẩn bị đủ nguồn nhân lực kỹ năng cao.
Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng nếu nhìn từ các yếu tố địa chính trị, xung đột quân sự, các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam nâng cấp quan hệ với nhiều nước lớn và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, WEF lần này là cơ hội lớn cho chúng ta. Chưa bao giờ có nhiều nhà đầu tư FDI lớn như Nvidia, Amkor, Foxconn, Intel... đến Việt Nam như hiện nay.
Việc thủ tướng dự diễn đàn, trực tiếp mời gọi đầu tư ở cấp quốc gia cho thấy quyết tâm của Chính phủ là rất lớn. Điều quan trọng là phải xây dựng được hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới. Gần đây Chính phủ đã lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Các bộ, ngành cũng đang xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, cần xây dựng cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, khuyến khích nhà đầu tư FDI xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) như Samsung đã làm tại Hà Nội.
Để có thành công như ngày nay, Hàn Quốc từng bỏ tiền để làm Trung tâm R&D quốc gia. Việt Nam muốn đột phá cũng cần phải đầu tư mạnh cho các trung tâm R&D như vậy. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Có một thực tế là nếu để doanh nghiệp Việt tự xây dựng nhà máy bán dẫn là cực khó, chỉ các tập đoàn FDI lớn mới làm được. Doanh nghiệp trong nước vừa không có công nghệ vừa thiếu vốn. Vốn đầu tư một nhà máy sản xuất chip bán dẫn tương đối cũng từ 10 - 20 tỉ USD, thậm chí cao hơn.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào khâu thiết kế chip. Khâu này chiếm khoảng 50% giá trị một con chip, ngoài ra khâu sản xuất chip chiếm hơn 20%, đóng gói, kiểm thử khoảng 6%, phần còn lại thuộc khâu thương mại.
Vấn đề là liệu các doanh nghiệp FDI có chia sẻ phần thiết kế chip cho doanh nghiệp Việt làm không? Tham gia được khâu này thì ngành bán dẫn Việt Nam sẽ tiến rất nhanh vì thiết kế con chip có tính độc quyền cao. Tập đoàn bán dẫn hàng đầu Mỹ là Nvidia cũng chỉ tập trung vào thiết kế chip. Khâu này luôn cần những người siêu giỏi, vì thế chiến lược đào tạo nhân lực bán dẫn thời gian tới cũng cần ưu tiên ngành thiết kế chip. Muốn vậy, Việt Nam cần có chính sách thu hút nhân tài là Việt kiều về nước làm việc trong ngành bán dẫn.
Lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp bán dẫn
Trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang có lợi thế khi Mỹ chủ trương không "bỏ trứng" vào một giỏ. Các nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất của thế giới đang nằm ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, nếu họ mở rộng sang Việt Nam đó là cơ hội cho chúng ta.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tham gia sâu hơn vào khâu khai thác, chế biến, tinh luyện đất hiếm để cung cấp cho các nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Đây là lợi thế rất lớn cần được phát huy vì chúng ta đứng thứ hai thế giới về tiềm năng đất hiếm.
Cuối cùng, cần lập một quỹ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn trong nước phát triển. Hiện có ba doanh nghiệp trong nước có thể tham gia ngành này là FPT, Viettel, Vingroup nên Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích, hỗ trợ về vốn để các doanh nghiệp phát triển.
Một năm nhiều dấu ấn trong thu hút đầu tư
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - kỳ vọng việc Thủ tướng tham dự WEF không chỉ giúp bạn bè thế giới thấy rõ hơn về một Việt Nam hội nhập, phát triển mà còn kết nối được với các nước và đối tác để bứt phá hơn trong các ngành, lĩnh vực kinh tế mới nổi.
Theo ông Hùng, trải qua một năm đầy biến động với những tác động của kinh tế thế giới, các kết quả chúng ta đạt được về tăng trưởng GDP đã giúp Việt Nam được đánh giá là hình mẫu mới khi vừa duy trì các động lực tăng trưởng cũ vừa chuyển hướng chiến lược sang các động lực tăng trưởng mới.
"Ta giữ đà tăng trưởng tốt so với bối cảnh chung của thế giới. Các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp vẫn là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế, du lịch phục hồi ấn tượng dù sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp khó. Song điểm nhấn đáng chú ý là chúng ta đã có một năm nhiều dấu ấn trong thu hút đầu tư các dòng vốn chất lượng cao, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn" - ông Hùng đánh giá và kỳ vọng đây cũng sẽ là dấu ấn của Việt Nam khi người đứng đầu Chính phủ tham dự WEF tại Davos (Thụy Sĩ).
|
"Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu"
Sáng 16-1 (giờ Thụy Sĩ, chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Thụy Sĩ, bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị thường niên thứ 54 WEF Davos 2024.
Trong đó, nổi bật nhất là việc Thủ tướng tham dự với tư cách khách mời chính của WEF Davos 2024 tại phiên đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu". Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là một trong tám lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF.
Giáo sư Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF - khi chào đón Thủ tướng đến phiên đối thoại đã nhấn mạnh vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên quốc tế. "Nếu chúng ta nhìn vào một số số liệu thống kê, Việt Nam hiện nay không chỉ là ngôi sao ở khu vực Đông Á, mà đã thực sự ở cấp độ toàn cầu, vượt xa nhiều quốc gia tương tự. Việt Nam đang trong quá trình trở thành một đối tác rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu", ông Klaus Schwab nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó trả lời nhiều câu hỏi từ người điều hành phiên đối thoại về kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại của Việt Nam cũng như các định hướng và đột phá để trở thành quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chất bán dẫn.
Trước đó, ngay sau khi đến Davos, Thủ tướng đã dự cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái. Thủ tướng cũng chủ trì phiên đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF (CSD) với các tập đoàn hàng đầu của WEF./.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-du-dien-dan-kinh-te-the-gioi-ky-vong-ve-dau-an-cua-viet-nam-tai-davos-20240117065713986.htm