Tiếng Việt | English

06/02/2024 - 10:59

Tình hình bất ổn ở Biển Đỏ khiến doanh thu của Kênh đào Suez giảm 46%

Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez cho biết tổng số tàu di chuyển qua Kênh đào Suez trong tháng vừa qua chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Tàu thuyền chờ qua Kênh đào Suez. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tàu thuyền chờ qua Kênh đào Suez. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, ông Osama Rabie, cho biết doanh thu của Kênh đào Suez trong tháng vừa qua đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 804 triệu USD xuống còn 428 triệu USD, trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ buộc nhiều công ty vận tải biển chủ chốt chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ON TV của Ai Cập, ông Rabie cho biết tổng số tàu di chuyển qua Kênh đào Suez trong tháng vừa qua chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Lực lượng Houthi đã bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ từ tháng 10/2023 sau khi xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát và không có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều công ty vận tải biển đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ để tránh các cuộc tấn công của Houthi, thay vào đó họ chọn tuyến đường dài hơn và đắt đỏ hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu, đồng thời là một trong những động lực chính thúc đẩy thương mại toàn cầu. Tuyến hàng hải quan trọng này chiếm khoảng 12% khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển của thế giới.

Kênh đào Suez cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập.

Nền kinh tế Ai Cập, vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao và gánh nặng nợ chồng chất, đã và đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề do cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Bất ổn an ninh khiến ngành du lịch tăng trưởng chậm lại và lượng tàu di chuyển qua Kênh đào Suez sụt giảm mạnh.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực tháng 1/2024 được công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Ai Cập đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ vì Kênh đào Suez có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế của nước này.

Ai Cập đang đàm phán với IMF để thúc đẩy và mở rộng thỏa thuận tín dụng trị giá 3 tỷ USD, được ký kết giữa hai bên vào tháng 12/2022 nhằm giúp Cairo vượt qua khó khăn kinh tế.

Tuy nhiên, thỏa thuận đi kèm với những điều kiện nghiêm ngặt, theo đó IMF yêu cầu Ai Cập cắt giảm chi tiêu công và thả nổi tự do đồng nội tệ./.

Theo TTXVN

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-bat-on-o-bien-do-khien-doanh-thu-cua-kenh-dao-suez-giam-46-post926848.vnp

Chia sẻ bài viết