Tiếng Việt | English

07/11/2023 - 08:40

Tỉnh táo trước nội dung độc hại trên YouTube

YouTube là một nền tảng chia sẻ video trực tuyến tại Mỹ. Bên cạnh những tiện ích để giải trí, học tập hiệu quả, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, kiếm tiền từ kênh YouTube cá nhân,... YouTube còn là môi trường dễ phát tán tin giả, kích động, bạo lực, khiêu dâm, chống phá chế độ,...

Ứng dụng YouTube chứa một kho video khủng nên người xem cần tỉnh táo, biết sàng lọc nội dung, thông tin (Minh họa: Internet)

Kiếm tiền nhờ lượt “view”, “like”

Là trang mạng được truy cập nhiều thứ hai sau “Google tìm kiếm”, ứng dụng này chứa một kho video khủng, mỗi ngày có đến 1,5 tỉ giờ video được xem trên YouTube. Cứ mỗi phút, có 500 giờ video được upload (đăng tải) lên YouTube, tức mỗi ngày, YouTube được bổ sung thêm lượng video mới với tổng thời lượng 720.000 giờ. Nếu một người bỏ ra thời gian chỉ để xem video thì phải hơn 80 năm mới có thể xem hết số clip được đưa lên YouTube chỉ trong... 1 giờ.

Đối với người dùng Internet, việc tạo một kênh YouTube không quá khó, chỉ cần một tài khoản Google. Sau khi có kênh là có thể tải video, người dùng thu được tiền thông qua lượt xem. Lượt xem càng nhiều, số tiền kiếm được càng lớn,... Theo quy định của YouTube, một kênh đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất và 1.000 người đăng ký (subscribe).

Bên cạnh đó, kênh cũng phải đạt 10.000 lượt xem (view). Do lượt xem là yếu tố quan trọng để hiển thị quảng cáo trên video nên các Vlogger (video bloger) đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào để sản xuất những video clip độc hại nhằm câu view, câu like kiếm tiền. Với số lượt người xem video lên đến hàng tỉ mỗi ngày, YouTube là thị trường hấp dẫn cho các nhà quảng cáo nên kích thích các Vlogger đua nhau sản xuất nội dung để đưa lên kênh của họ. Mặt tốt của cuộc đua là giúp nội dung trên YouTube ngày càng phong phú, thế nhưng cuộc đua kiếm tiền này xảy ra nhiều bất cập, thậm chí gây chết người.

Tràn lan nội dung phản cảm và tin giả

Do kiếm tiền nhờ “view”, “like” nên trên YouTube, các kênh cổ xúy bạo lực mọc lên “như nấm sau mưa”, nhằm phục vụ cá nhân hoặc theo thị hiếu một nhóm cá nhân mà mục đích chính là tăng lượng người truy cập. Kênh YouTube H.C. TV đăng tải không ít video hành hạ động vật, máu me, ngôn từ kích động gây phản cảm. Trong đó, clip cho đại bàng mổ gà đến chết, để cú mèo đánh nhau với chó, vặt lông chim cút đang sống rồi bôi ớt vào,... rất phản cảm. Thậm chí, chủ kênh này còn trơ trẽn tỏ ra mình cao thượng, nhặt chú mèo bị xe cán về chôn cất, thờ cúng. Thế nhưng, sau đó, than đói rồi đào xác mèo con lên, ném vào đống lửa nướng đến đen xì, ăn không được, lại xé ra cho chó ăn,... Kênh của H.C. có trên 1,82 triệu người đăng ký, mỗi video có từ vài chục đến vài trăm ngàn lượt xem.

Kênh C.C. Tivi với những clip săn bắt, làm thịt, chế biến và thưởng thức thịt động vật. Kênh C.C. TV có 150.000 lượt đăng ký. Các video săn bắt, đánh bẫy động vật hoang dã thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Một kênh YouTube khác cũng vô cùng độc hại là A.H. TV, có gần 100.000 lượt đăng ký với những clip dung tục, phản cảm, hình ảnh hở hang,...

Ngoài nội dung thô tục, phản cảm, YouTube còn “dung dưỡng” tin giả, là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng truyền bá luận điệu sai trái, bịa đặt, xuyên tạc chống phá Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nguy hiểm hơn, một số Vlog tự nhận yêu nước, nhân danh bảo vệ đường lối của Ðảng, bảo vệ chế độ, chống diễn biến hòa bình,... nhưng lại cấu kết với các đối tượng phản động gốc Việt ở nước ngoài xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, thóa mạ và vu khống, chửi rủa người yêu nước khác; đồng thời, phản đối, xúc phạm một số cơ quan báo chí chỉ vì không hưởng ứng ý kiến của họ,... Để câu view kiếm tiền, nhiều YouTuber đào xới, nhặt nhạnh tin tức, tài liệu từ Internet rồi “xào nấu”, phát tán với dụng ý xấu, không cần biết tài liệu là thật hay giả.

Không ít YouTuber tự xưng là “nhà báo”, rình mò ghi hình cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ rồi cắt ghép, đổi trắng thay đen, hướng lái dư luận hùa theo nhằm công kích, chửi rủa chính quyền. Nhiều YouTuber chọn đề tài lịch sử, nghệ thuật, quân sự nhưng do hiểu biết nông cạn, thiếu lập trường, bản lĩnh chính trị nên nội dung thông tin không chính xác, thậm chí là sai lạc;...

Tình trạng nhiễu loạn đến mức nguy hiểm từ các kênh YouTube xấu, độc rất nguy hại không chỉ đối với xã hội mà còn với tính mạng, đạo đức, tài sản của con người, nhất là trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, hình ảnh và uy tín của đất nước,... Các hệ lụy đó không phải là cảnh báo mà đã và đang diễn ra, khiến dư luận bức xúc, cần sớm có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu từ các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của toàn xã hội./.

Cựu Chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết