Tiếng Việt | English

05/02/2024 - 09:05

Tràn lan lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng

Thời gian gần đây, tệ nạn lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng (sàn chứng khoán, đầu tư ngoại hối, quỹ đầu tư, đầu tư tiền ảo,...) tràn lan, mặc dù các cơ quan truyền thông liên tục cảnh báo nhưng không ít người vẫn bị lừa tiền tỉ.

Tràn lan lừa đảo đầu tư tài chính với nhiều thủ đoạn tinh vi trên mạng xã hội (Ảnh internet)

Tràn lan lừa đảo đầu tư tài chính với nhiều thủ đoạn tinh vi trên mạng xã hội (Ảnh internet)

Vì lòng tham nên tự “chui đầu vào rọ”

Chị H.N. (TP.HCM) bị bạn mới quen trên mạng dụ dỗ tham gia vào sàn chứng khoán (CK), forex (đầu tư ngoại hối). Một chuyên gia (tự nhận) cam đoan sẽ giúp tài khoản của chị mỗi tuần có thể tăng gấp 2-3 lần. Thấy “ngon ăn”, chị tải app tham gia thử. Mới đầu, chị nạp vào tài khoản 1.000 USD, 3 ngày đầu tiên có lời từ 50-200 USD/ngày. Sau đó, nhân viên môi giới liên tục thúc giục chị nạp thêm tiền để có lãi lớn nên chị “chơi lớn” nạp thêm 5.000 USD.

Thấy “cá cắn câu”, “chuyên gia” dụ dỗ chị vay 230 triệu đồng (10.000 USD) nạp vào tài khoản. Với tổng số tiền nạp vào tài khoản 16.000 USD, chị được tư vấn mua 2.000 cổ phiếu abbvus với mức giá 142,94 - 143,22 USD/cổ phiếu. Ngay trong đêm đó, giá cổ phiếu giảm xuống 137,23 USD khiến tài khoản của chị H.N. “âm” (tức lỗ) hơn 10.000 USD.

Còn chị H.G. (TP.HCM) được một người bạn mới quen trên mạng cho biết đang đầu tư cả ngoại hối lẫn CK quốc tế và “đánh đâu thắng đó” do biết được lỗ hổng của sàn. Anh ta đưa tài khoản để chị H.G. tập giao dịch. Hàng ngày, chị giúp anh nạp tiền vào tài khoản (tất nhiên là tiền của anh bạn). Sau vài ngày, hầu như các giao dịch của anh ta đều thắng đậm. Khi đó, anh ta khuyên chị thử mở tài khoản và giao dịch. Ham nhưng cảnh giác, chị chỉ nạp 10 triệu đồng để đầu tư. Càng giao dịch chị càng đam mê, số tiền nạp vào tài khoản cũng tăng lên gần 3 tỉ đồng. Gần 10 ngày sau, chị muốn rút tiền thì hệ thống lại báo chị đã lợi dụng lỗ hổng nên không cho rút ra. Để khắc phục điều này, môi giới hướng dẫn chị nạp thêm tiền để khắc phục lỗi và giao dịch bình thường thì sau đó mới cho rút tiền. Và chị đã bị “bay hơi” 7 tỉ đồng.

Anh N.T.H. (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong lúc tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về CK trên mạng xã hội Facebook, được hướng dẫn tải ứng dụng (app) chơi chứng khoán để đầu tư. Dù nghi ngờ app lừa đảo, song được các “tư vấn viên” trong nhóm khuyến khích và gửi các hình ảnh minh chứng nên anh H. quyết định tải app chơi thử và nạp số tiền ban đầu là 10 triệu đồng. Chỉ sau 1 ngày, anh rút được 25 triệu đồng trên ứng dụng. Thấy lợi nhuận cao, anh nạp thêm hơn 30 triệu đồng nhưng lần này không rút được tiền. Đến lúc này, anh mới nhận ra đã bị lừa.

Theo cơ quan chức năng, các vụ lừa đảo dưới hình thức đầu tư tài chính đang nở rộ mà nguyên nhân ngoài nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, phần lớn nạn nhân không nhận rõ các dấu hiệu của hành vi lừa đảo ngay từ đầu nên dễ bị kẻ xấu dẫn dắt, thao túng. Thực tế, việc đầu tư CK ở các sàn giao dịch nước ngoài phải có quốc tịch ở nước đó và mở tài khoản ngân hàng ở nước sở tại.

Để dễ dàng chiếm lòng tin của nạn nhân, các đối tượng thường giới thiệu cổ phiếu của các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Sau đó, trong vai “nhà tư vấn đầu tư”, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra các mức lợi nhuận hấp dẫn, thậm chí là cử người “canh lệnh” để bảo đảm người đầu tư chắc chắn có lãi. Dù kết bạn qua Facebook hay kết nối điện thoại, các nạn nhân sẽ bị lôi kéo vào một nhóm Zalo, Facebook nào đó mà trong đó, các thành viên còn lại đều là “chim mồi”. Họ sẽ liên tục khoe các vụ chốt lãi thành công với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Bị hại sẽ choáng ngợp với số tiền lãi và nhanh chóng tham gia đầu tư vào các app do bọn lừa đảo hướng dẫn cài đặt.

Thủ đoạn tinh vi để nạn nhân “sập bẫy”

Thực chất không có sàn giao dịch CK hay kênh đầu tư nào cả. Khi các bị hại đầu tư, tiền sẽ được chuyển tới tài khoản của nhóm lừa đảo. Bằng vài thủ thuật đơn giản trên các app do chúng lập và điều hành, nạn nhân được cho “ăn” một vài lần đầu để đánh vào lòng tham của họ. Tưởng dễ dàng kiếm được số tiền lớn, nạn nhân tiếp tục đầu tư theo lời dụ dỗ đầu tư càng nhiều, lãi càng lớn.

Vài ngày sau, các đối tượng sẽ tư vấn cho nạn nhân bán cổ phiếu. Tuy nhiên, thay vì chuyển tiền về tài khoản cho nạn nhân như lần trước, chúng viện đủ lý do để nạn nhân nạp thêm tiền như đóng thuế thu nhập, phí giao dịch, tiền bảo hiểm, tiền môi giới, tiền mở khóa tài khoản,... mới có thể rút được tiền từ tài khoản đầu tư. Toàn bộ số tiền nạn nhân nạp vào tài khoản sẽ bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt. Lúc này, các tài khoản đầu tư trống trơn, nạn nhân mới biết bị lừa, đồng nghĩa toàn bộ số tiền đầu tư và các khoản phí nộp trước đó "bốc hơi" hoàn toàn.

Trước thực tế lừa đảo đầu tư tài chính tràn lan trên mạng, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty quản trị trang; không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.

Qua tìm hiểu, tại Việt Nam hiện nay, pháp luật không cấm các hoạt động đầu tư vào thị trường Forex nhưng cũng không cho phép bất kỳ đơn vị, tổ chức nào được mở sàn môi giới giao dịch. Các sàn giao dịch được mở tại thị trường Việt Nam là trái pháp luật, nếu khi có rủi ro xảy ra, quyền lợi của các nhà đầu tư không được bảo đảm pháp lý.

Cứ theo nguyên tắc, khi hoạt động chào mời nào đưa ra mức lợi nhuận cao hơn gấp 3 lần lãi suất ngân hàng thì phải cẩn trọng vì có dấu hiệu lừa đảo rất cao./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết