Tiếng Việt | English

31/01/2018 - 23:40

Tuyên bố 12 điểm đề ra nguyên tắc giải quyết khủng hoảng Syria

Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại thành phố Sochi của Liên bang Nga đã thông qua tuyên bố gồm 12 điểm, trong đó nêu rõ quan điểm của người dân Syria về tương lai của quốc gia Trung Đông này.


Các đại biểu tham dự Đại hội ở Sochi ngày 30/01. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các bên tham gia Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại thành phố Sochi của Liên bang Nga ngày 30/1 đã thông qua tuyên bố gồm 12 điểm, trong đó nêu rõ quan điểm của người dân Syria về tương lai của quốc gia Trung Đông này. 

Đây được coi là những nguyên tắc chủ yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. 

Theo Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố trên đặc biệt nhấn mạnh Syria cần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, còn tương lai của quốc gia Trung Đông này chỉ có thể do chính người dân Syria quyết định thông qua con đường bầu cử. 

Thứ nhất, các bên tham gia đại hội thể hiện tôn trọng chủ quyền, nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất, lãnh thổ và nhân dân Syria. Do đó, không có bất kỳ phần nào của lãnh thổ quốc gia Trung Đông này được phép biến thành mục tiêu của sự nhượng bộ. 

Nhân dân Syria sẽ vẫn kiên trì trong việc giành lại cao nguyên Golan bị chiếm đóng thông qua cơ chế pháp lý, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. 

Điểm thứ hai nêu rõ vai trò của Syria trên thế giới và trong khu vực. Syria cần phải đóng vai trò đầy đủ trong cộng đồng quốc tế và khu vực, với tư cách là một phần của thế giới Arab, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các mục tiêu và nguyên tắc của thế giới Arab. 

Chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai đất nước của mình bằng các phương tiện dân chủ, bằng con đường bầu cử, và phải có đặc quyền quyết định thiết chế chính trị, kinh tế và xã hội mà không bị áp lực hay can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ quốc tế của Syria. 

Các bên tham gia Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi cũng cho rằng Syria cần phải trở thành một quốc gia dân chủ và không bè phái, không phụ thuộc vào tôn giáo, sắc tộc và giới tính, tôn trọng hoàn toàn và bảo vệ tính tối thượng của pháp luật, phân chia quyền lực, hệ thống tư pháp độc lập, tất cả các công dân đều bình đẳng, đa dạng văn hóa trong xã hội Syria, bảo đảm tự do xã hội, bao gồm tự do tín ngưỡng, có sự quản lý minh bạch, toàn diện, trách nhiệm, kể cả trước luật pháp quốc gia, có các biện pháp về chống tội phạm, tham nhũng và lạm dụng chức vụ. 

Tuyên bố trên cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như xây dựng lực lượng quân đội Syria, cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, quyền bình đẳng, duy trì bản sắc dân tộc, bảo vệ di sản, bảo vệ mội trường, chống đói nghèo... 

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra ngày 30/1 tại Sochi với sự tham dự của 1.393 đại biểu, hơn 50 quan sát viên. 

Đại hội kéo dài hơn 9 giờ trong bầu không khí xây dựng và đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố kết thúc đại hội, thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội và danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp, có nghĩa là tham gia Ủy ban Hiến pháp. 

Danh sách này sẽ được chuyển cho đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura trong thời gian sớm nhất.

Sau khi Đại hội đối thoại dân tộc Syria kết thúc, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ hoan nghênh kết quả đạt được. 

Trong cuộc điện đàm ngày 31/01, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thể hiện hài lòng về kết quả Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi những thỏa thuận đạt được tại cuộc đối thoại ở Sochi này nhằm thúc đẩy hiệu quả tiến trình hòa giải chính trị ở Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Pháp tán thành giải pháp toàn diện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Ông Macron còn để ngỏ khả năng Pháp sẽ đóng một vai trò tích cực trong tiến trình hòa bình Syria./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết