Tiếng Việt | English

23/08/2015 - 14:01

Vì sao Trung Quốc liên tục xảy ra cháy nổ?

Hàng loạt vụ nổ lớn nguy hiểm ở các cơ sở hóa chất độc hại khiến hàng trăm người chết và mất tích đang làm người dân Trung Quốc vô cùng bức xúc.


Vụ nổ ở Nhà máy hóa chất Runxing (Sơn Đông) xảy ra chỉ vài ngày sau khi hai vụ nổ lớn ở cảng Thiên Tân

hôm 12-8 khiến ít nhất 121 người thiệt mạng và 54 người vẫn còn mất tích.

Tai nạn này đang gây bức xúc lớn trong dân chúng vì cơ sở của công ty hậu cần Thụy Hải ở Thiên Tân vi phạm quy định an toàn khi đặt cách khu dân cư chưa đến 1km.

Vô số nhà máy hóa chất nằm gần khu dân cư

Truyền thông Trung Quốc điều tra ra rằng cơ sở này đã dựa vào các mối quan hệ chính trị để lấy được giấy phép dù vi phạm quy định ngay từ đầu.

Vụ nổ một lần nữa làm gia tăng lo ngại về các quy định an toàn ở Trung Quốc vốn bị phớt lờ trong quá trình công nghiệp hóa.

Năm 2014 có hơn 68.000 người thiệt mạng ở Trung Quốc, tương đương 186 trường hợp mỗi ngày, chiếm 20% tổng số ca tử vong do tai nạn lao động toàn cầu.

Trong khi đó ở Mỹ chỉ khoảng 12 người tử vong trong quá trình làm việc mỗi ngày.

Lo ngại đặc biệt nghiêm trọng trong các tai nạn liên quan đến hóa chất độc hại.

“Ngành công nghiệp hóa chất Trung Quốc phát triển rất nhanh trong 15 năm qua. Trung Quốc từ một nước nhập khẩu hóa chất nay trở thành nhà sản xuất hầu như tất cả hóa chất mà chúng ta có thể nghĩ tới, CNN dẫn lời Ashish Pujari, giám đốc Công ty tư vấn IHS Chemical, tại Singapore.

"Nhiều nhà sản xuất sẵn sàng đi đường tắt trong các khoản quy định. Ví dụ dễ thấy là người ta bắt đầu thi công nhà máy và chuẩn bị đi vào hoạt động ngay cả khi dự án vẫn còn chưa được thông qua”, Ashish Pujari nói.

Câu hỏi được đặt ra là liệu còn bao nhiêu cơ sở hóa chất nguy hiểm mọc gần khu dân cư tại Trung Quốc nhờ "các liên minh ma quỷ"?

Một cuộc điều tra của tờ New York Times hôm 21-8 cho thấy còn vô số nhà máy khác vi phạm quy định an toàn này. Các cơ sở này như những quả bom nổ chậm được đặt gần các trường học, đường cao tốc.

Hàng loạt cái tên được tờ báo đưa ra kèm theo ảnh chụp vệ tinh bao gồm công ty sản xuất sodium cyanide Hebei Chengxin ở tỉnh Hà Bắc, Henan Yanshi Tianlong tại Hà Nam, Weifang Parasia Chemical ở Sơn Đông…

Tổ chức Hòa Bình Xanh cho biết họ phát hiện nhiều nhà kho chứa hóa chất nguy hiểm tại bốn thành phố lớn là Thượng Hải, Quảng Châu, Ninh Ba, Thanh Đảo.

“Kết quả khảo sát cho thấy thảm kịch Thiên Tân có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Sự thờ ơ và việc thiếu thực thi các quy định đến mức báo động đang diễn ra tràn lan. Thiên Tân nên là lời cảnh tỉnh cho chính quyền (Trung Quốc)”, nhà hoạt động Wu Yixiu của tổ chức này nhận định.

​Quá trình công nghiệp hóa thần tốc khiến chính quyền Trung Quốc khó thực thi các quy định về an toàn. Hồi 5-2015, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn về nâng cao bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đang mọc lên tràn lan.

Những khu công nghiệp này “gây ô nhiễm nghiêm trọng và vấn đề môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến ổn định xã hội”, bộ này cảnh báo.


Hình ảnh vụ nổ được đưa lên mạng Sina Weibo

Tham nhũng là nguyên nhân

Tham nhũng ở Trung Quốc cũng là nguyên nhân gián tiếp giết chết vô số người trong các thảm họa lớn thời gian qua. Các đây bảy năm, cơ quan chức năng phát hiện tham nhũng rút ruột công trình tại 7.000 ngôi trường bị sập trong trận động đất Tứ Xuyên làm 4.700 học sinh thiệt mạng.

Năm 2011, vụ đụng tàu ở Ôn Châu khiến 40 người thiệt mạng và làm dấy lên các câu hỏi về mạng lưới đường sắt của Trung Quốc. Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, vốn bị điều tra từ trước trong một vụ bê bối tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, bị tuyên án tử hình năm 2013.

“Nó đã là một vòng tròn quen thuộc. Mỗi khi có một thảm kịch nghiêm trọng xảy ra ở Trung Quốc, câu chuyện tham nhũng và hối lộ lại lộ ra dưới đống đổ nát”,

Tờ Independent viết.

Theo Tân Hoa xã, hơn 100 công ty hóa chất tại bảy tỉnh của Trung Quốc bị đóng cửa hoặc đình chỉ do vi phạm an toàn lao động trong vài ngày qua.

Cảnh sát giao thông trên toàn Trung Quốc hôm qua đã được lệnh cảnh giác cao độ đối với các chất hóa học nguy hiểm, tăng cường kiểm tra trên đường và siết chặt việc cấp phép chuyên chở các chất hóa học.

Tại hội nghị toàn thể của Ủy ban An toàn sản xuất thuộc Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc diễn ra hôm qua, các quan chức phân tích sâu về những vấn đề nổi cộm đã gây ra những sự cố nghiêm trọng liên quan an toàn sản xuất trong thời gian gần đây.

Hội nghị khẳng định thời gian tới Trung Quốc cần thực hiện nghiêm công tác kiểm tra quy trên mô lớn đối với tình hình an toàn sản xuất trên toàn quốc, lấy việc sửa đổi các quy định liên quan chuyên mục quản lý an toàn các loại hóa chất độc hại và các chất dễ cháy nổ làm trọng điểm./.

Trần Phương/Tuổi Trẻ Online

 

Chia sẻ bài viết