Tiếng Việt | English

19/01/2019 - 09:03

Xóm tết muộn

Nói tới bánh tét xuân thì bánh tét Đức Hòa nổi tiếng gần xa. Cứ tết về, thị trấn Đức Hòa lại xôn xao mùa bánh tét đón tết. Mà không chỉ ở Đức Hòa, tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cũng có một xóm nhỏ vào mùa bánh tét. Xóm ấy có lẽ nên được mệnh danh là xóm tết muộn.

Sở dĩ, tôi nghĩ như vậy bởi người làm bánh ở ấp Vàm Thủ, xã Bình An, huyện Thủ Thừa ai cũng nói đến hết mùng 3 mới “thiệt là ăn tết”. Bởi lúc nhà nhà, người người sum vầy đón tết đông vui thì ở xóm làm bánh tét cũng đông vui nhưng là cùng nhau gói bánh. Với số lượng mỗi ngày lên tới cả ngàn đòn bánh thì người gói bánh ấp Vàm Thủ chỉ biết “ăn ngủ cùng bánh tét”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Mai - chủ lò bánh tét Chín Mai, ở xã Bình An, chia sẻ: “Nhà tôi làm bánh tét đã 4 đời, từ thời bà ngoại tôi, mẹ tôi, tôi và bây giờ đến con dâu tôi. Cái nghề gọi là truyền thống rồi. Cứ dạo gần tết, 3-4 giờ là mẹ con tôi thức dậy nấu đậu, làm nhân chuẩn bị sẵn chờ người đến gói. Cũng nhờ các cô, các chú trong xóm lành nghề, lại chịu cực cùng mình nên mới làm được mùa bánh tết”. 

Vất vả thì nhiều, nhưng tiếng cười ở xóm bánh tét Vàm Thủ không dứt. Bởi làm còn cực là bánh bán còn nhiều, tiếng tăm bánh tét Thủ Thừa còn được nhiều người biết đến

Cũng phải, nếu không chịu cực thì sao người thợ gói có thể ngồi từ sáng đến khuya bên mâm bánh, tay thoăn thoắt vốc nếp, bỏ nhân, gói chiếc lá gọn trơn như trò chơi con trẻ. Người cột bánh cũng nhanh tay không kém, dây cột “đều trân” chắc vừa tay, bánh cột xong nhìn vừa đẹp, vừa chắc. Cả xóm mười mấy, hai mươi người quây quần cùng nhau vừa gói, vừa nói, cười rôm rả.

Chú Tư Chánh - thợ gói bánh có đến 30 năm kinh nghiệm, nói: “Không biết tại sao lại chọn nghề gói bánh, từ lúc nhỏ, tôi đã theo mẹ đi coi gói bánh, rồi làm tới bây giờ. Năm nào cũng làm xuyên tết”.

Tiếng cười, nói pha trò rôm rả, nhưng tuyệt nhiên không ai ngừng tay gói. Chị Thúy - con dâu của cô Chín Mai, tất bật chuẩn bị mẻ nhân bánh mới bên cạnh. Quê chị ở Thạnh Hóa, trước giờ vẫn chưa từng biết nghề gói bánh. Theo chồng về xóm bánh tét Thủ Thừa được 10 năm, giờ chị đã thạo việc trộn nhân, trộn nếp sao cho vừa khẩu vị của khách hàng. 

Bánh tét Thủ Thừa vang tiếng một vùng là bánh dẻo, thơm, bởi nếp được trồng trên đất Thủ Thừa. Nếp trộn với dừa, cũng là từ đất Thủ.

Cô Chín Mai chia sẻ: “Nguyên liệu làm bánh, cô đều lấy ở xứ mình hết đó con. Mình mua ở đâu mình biết gốc gác là sẽ chọn được loại hàng tốt nhất. Nếp ngon, dừa ngon, đậu ngon mà người gói khéo tay thì bánh sẽ được lòng bà con mình thôi!”.

Đó là kinh nghiệm mà cô Chín Mai tích lũy trong suốt quãng đời làm nghề của mình. Lò bánh của cô cung cấp bánh tét nhân chuối, mỡ, đậu ngọt và bánh ba nhân theo yêu cầu thực khách. 

Bình thường, lò cung cấp khoảng 300-500 đòn bánh mỗi ngày. Từ dạo 27 tết trở đi, mỗi ngày lò cho ra khoảng 1.000 đòn bánh, cho đến hết mùng 3 tết. Lúc đó, thợ được nghỉ ngơi ăn tết vài ngày rồi bắt đầu một năm làm nghề mới. Vất vả thì nhiều, nhưng tiếng cười không dứt. Bởi làm còn cực là bánh bán còn nhiều, tiếng tăm bánh tét Thủ Thừa còn được nhiều người biết đến. Và cái tết vất vả sẽ báo hiệu một năm mới sung túc, vui tươi. 

Mùa tết ở Thủ Thừa, hay mùa tết ở xóm bánh tét Vàm Thủ là mùa ăn, ngủ cùng bánh tét, là niềm vui rộn ràng của mẻ bánh mới chào xuân được cột đều mà chắc, bánh xẻ ra nếp dẻo, nhân thơm đậm vị quê nhà. Một mùa tết thật quen mà thật lạ với khách phương xa!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích