Tiếng Việt | English

11/09/2019 - 21:40

Yêu cầu rà soát cơ sở sản xuất hóa chất độc hại sau sự cố Rạng Đông

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vừa yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, triển khai tổng rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, sau vụ cháy Rạng Đông.

Công nhân Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình dọn dẹp vệ sinh tại khu vực nhà kho của Công ty Rạng Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Công nhân Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình dọn dẹp vệ sinh tại khu vực nhà kho của Công ty Rạng Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Từ sự cố cháy nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai tổng rà soát cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Riêng với Hà Nội, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, mức độ ô nhiễm, trách nhiệm liên quan, và các biện pháp khắc phục, tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe cho người dân...

Khẩn trương làm rõ phạm vi, mức độ ô nhiễm

Theo Thông báo số 322/TB-VPCP, ngày 10/9, vừa được công bố, tại cuộc họp về sự cố cháy nổ xảy ra tại Công ty Rạng Đông do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan và các biện pháp khắc phục sau vụ cháy. Tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó sự cố; tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe kịp thời cho người dân trong khu vực.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần có biện pháp trước mắt giúp Công ty Rạng Đông phục hồi sản xuất. Về lâu dài tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời công ty này và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị, khu tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ làm đầu mối công khai kịp thời thông tin về sự cố môi trường; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.

Đồng thời thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để kịp thời ra khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do sự cố.

Người dân lấy tay che mặt mỗi khi đi qua khu vực cháy nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Người dân lấy tay che mặt mỗi khi đi qua khu vực cháy nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Cung cấp khối lượng thủy ngân nhập khẩu

Hai Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhập khẩu, quản lý và sử dụng hóa chất; cung cấp thông tin, số liệu về nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thủy ngân và hàm lượng thủy ngân có trong bóng đèn huỳnh quang, compact của Công ty Rạng Đông, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Bộ Tài chính cung cấp cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về khối lượng thủy ngân lỏng và viên Amalgam được Công ty Rạng Đông nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; xây dựng chương trình theo dõi, khám sức khỏe thường xuyên, định kỳ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, hai Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để yêu cầu thu gom, xử lý các chất thải nguy hại phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn phương án xử lý, cải tạo khu vực bị ô nhiễm.

Bộ Công an chỉ đạo, đẩy nhanh công tác điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về sự cố.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường sau sự cố; nghiên cứu khả năng tác động của Hg hữu cơ hình thành ngay sau sự cố.

Hiện trường vụ cháy Rạng Đông nhìn từ chung cư 54 Hạ Đình (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiện trường vụ cháy Rạng Đông nhìn từ chung cư 54 Hạ Đình (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đẩy nhanh việc di dời cơ sở hóa chất độc hại

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định.

Đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuât, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết