Tiếng Việt | English

21/09/2015 - 10:57

Niềm vui từ những công trình trọng điểm

Bài 1: Đường tỉnh 819 - Con đường đột phá cho phát triển

Đường tỉnh 819 (đường cặp kênh 79) là tuyến đường thủy - bộ song hành. Từ khi hình thành tuyến kênh 79 vào năm 1979, Đảng bộ tỉnh Long An đã thấy trước được hướng khai thác, phát triển cho toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM), nhất là khu vực giáp tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Thực tế cho thấy, chính tuyến kênh 79 này đã góp phần khai hoang - phục hóa, nâng sản lượng lương thực của Long An từ những năm đầu giải phóng chỉ vài trăm ngàn tấn/năm đến nay đã đạt hơn 2,8 triệu tấn/năm. Không những thế, tuyến đường thủy - bộ cặp kênh 79 còn tạo thế trận phòng thủ vững vàng cho toàn vùng ĐTM và bảo vệ vững chắc biên giới của 2 tỉnh Long An, Đồng Tháp.

Thúc đẩy phát triển

Ông Lê Văn Triệu - cán bộ hưu trí huyện Tân Thạnh, hiện ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa kể lại: “Vào những năm trước giải phóng, chúng tôi chiến đấu ở vùng này nên biết rất rõ, toàn khu vực cặp kênh 79 rất vắng vẻ vì không có nước uống, toàn rừng tràm và lau sậy, cỏ bàng, thỉnh thoảng có vài người dân đi nhổ bàng, bắt ong, bắt cá. Sau giải phóng, tỉnh có chủ trương đào kênh, khai phá ĐTM, lúc đó tuyến kênh 79 hình thành, là con kênh chính để từ đó xây dựng các tuyến kênh tẻ xổ phèn ra sông Vàm Cỏ Tây. Chỗ tôi ở trước đây có một số bà con Việt Kiều từ Campuchia về nên huyện chủ trương đào kênh cấp đất cho họ và đặt tên là kênh Việt Kiều, bây giờ có cầu Việt Kiều cũng từ đó mà ra”.

Đặc biệt, từ khi tuyến đường bộ cặp kênh 79 hình thành, lượng người dân từ các huyện phía Nam và từ các tỉnh, thành bạn trong cả nước đã đổ về Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh đi khai khẩn vùng kinh tế mới ngày càng nhiều. Đến nay, dọc tuyến đường thủy-bộ kênh 79 đã có doanh nghiệp lớn như cơ sở nuôi xuất khẩu cá ba sa tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật - Sở Khoa học và Công nghệ đã mở cơ sở nghiên cứu - thử nghiệm nuôi cá ba sa xuất khẩu. Ngoài ra, còn hình thành các nhà máy xay xát lúa gạo, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi cá, trồng dưa,...

Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Đát cho biết: “Đường tỉnh 819 hình thành đã giúp cho Mộc Hóa phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là chương trình xây dựng cánh đồng lớn, mô hình sản xuất theo hướng trang trại. Khu vực các xã Tân Lập có những cánh đồng lớn thuận lợi giao thông thủy-bộ có thể hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Các khu, cụm dân cư cũng phát triển theo, đời sống người dân từng bước cải thiện. Sắp tới, huyện có chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển du lịch thông qua tuyến thủy-bộ kênh 79”.

Ngoài việc phát triển kinh tế, trên dọc tuyến thủy-bộ kênh 79 còn hình thành 2 khu vực dành cho phát triển du lịch sinh thái, đó là Làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa và Khu đất ngập nước Láng Sen, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng. Từ đây, có thể hình thành tuyến du lịch Tân An - Chùa Nổi (Vĩnh Hưng) - Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp - Núi Đất (Kiến Tường) - Làng nổi Tân Lập - Khu dược liệu Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa) và Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng).

Góp phần đưa khu vực ĐTM cất cánh

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư - Lê Công Đỉnh, đây là tuyến đường có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, phát triển kinh tế - quốc phòng và an ninh quốc gia của khu vực ĐTM và cả nước. Dự án phù hợp với quy hoạch và phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực kết nối các tuyến quan trọng N2 - Quốc lộ 62 - Đường tỉnh 819. Sắp tới, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ tiếp tục đầu tư các tuyến liên kết với tuyến N1 sau khi hoàn thành tạo thành trục giao thông Đông - Tây thông suốt. Ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tuyến đường còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vùng khó khăn, vùng kháng chiến cũ.

Tới đây, khi các cầu trên tuyến hoàn thành, Sở Giao thông - Vận tải phối hợp UBND huyện Tân Hưng vận động mở tuyến buýt Tân An - Tân Hưng giúp người dân các xã khu vực các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường, Tân Hưng rút ngắn khoảng cách về trung tâm đô thị lớn. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể rút ngắn quãng đường vận tải, đi lại liên tỉnh nối Long An - Đồng Tháp - An Giang thông qua tuyến đường thủy-bộ này. Đặc biệt, giao thông thủy-bộ rút ngắn quãng đường hơn 20km so với trước đây.

Anh Nguyễn Văn Mến bán quán giải khát cặp Đường tỉnh 819 cho biết: “Từ khi có đường trải nhựa, gia đình tôi buôn bán thuận lợi, rất nhiều người dân từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng đi qua lại tuyến đường này. Vào dịp lễ, tết, lượng người, phương tiện đi lại tấp nập, chủ yếu là công nhân từ các nơi về quê; họ nói đi đường này ngắn hơn, thuận tiện hơn”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện lượng xe tải và ghe thuyền hoạt động trên tuyến đường thủy-bộ kênh 79 rất tấp nập. Tuy nhiên, chưa có nhiều phương tiện lớn bởi vì trên bộ thì cầu đang hoàn thành, cầu 79 có độ tĩnh không thấp nên sà lan lớn chưa thể qua cầu. Trong tương lai, khi các cầu trên tuyến Đường tỉnh 819 hoàn thành, các xe có tải trọng trên 20 tấn có thể qua cầu, dưới kênh 79 nếu được nạo vét mở rộng và nhất là cầu 79 trên Quốc lộ 62 được làm mới, bảo đảm độ tĩnh không thì chắc chắn đây sẽ là tuyến thủy - bộ quan trọng vào bậc nhất, góp phần đưa khu vực ĐTM của Long An - Đồng Tháp cất cánh./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết