Tiếng Việt | English

28/09/2015 - 10:56

Niềm vui từ những công trình trọng điểm

Bài 6: Nhà Thiếu nhi tỉnh công trình ý nghĩa

Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 2-2015, Nhà Thiếu nhi (NTN) Long An đã phát huy tác dụng. Nhiều lớp học năng khiếu ngoài giờ đã được mở rộng và phát triển, thu hút số lượng học viên ngày càng đông. Đây còn là nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời cho thiếu nhi toàn tỉnh như: Ngày hội Cháu ngoan Bác Hồ, ngày hội Hoa phượng đỏ,…


Toàn cảnh Nhà Thiếu nhi

Những niềm vui đời thường

Chiều nào chị Phan Thị Hồng Đào ở phường 4, TP.Tân An cũng đưa con gái đến khu vui chơi tại NTN tỉnh. Sau giờ học, cháu cần một chút thời gian thư giãn, giải trí và khu vui chơi dịch vụ ở sân trước NTN là lựa chọn hàng đầu của mẹ con chị Đào. Nhìn con gái hớn hở tham gia các trò chơi, chị Đào cười: “Ngày nào cũng vậy, đón cháu từ lớp là tôi đưa thẳng đến đây, chơi một chút trước khi về nhà, coi như thư giãn đầu óc. Hồi trước, khi chưa có NTN, tôi và cháu thường xuống khu vui chơi ở công viên TP.Tân An. Giờ có ở đây, gần nhà, nhiều trò chơi mới và đẹp nên 2 mẹ con đều rất hài lòng”.

Khoảng 17 giờ, khu vui chơi dịch vụ cho thiếu nhi bắt đầu hoạt động, đèn màu và âm nhạc thu hút với nhiều trò chơi hấp dẫn các cháu: Câu cá, thú nhún, xe điện, đu quay,… Vì là sân chơi mới nên khu vui chơi được nhiều phụ huynh lựa chọn đưa con em mình đến, đặc biệt là vào dịp cuối tuần. Cùng lúc đó, bên trong NTN cũng nhộn nhịp không kém. Hầu như ngày nào tại NTN tỉnh cũng có các lớp học năng khiếu vào buổi tối: Múa, hát, đàn, nhảy hiện đại, võ thuật,…

Giám đốc NTN - Nguyễn Thế Anh cho biết, trong dịp hè vừa rồi, NTN duy trì 28 lớp học năng khiếu thuộc nhiều loại hình khác nhau, chưa kể các nhóm chuyên hoạt động thường xuyên. Đến thời điểm hiện tại, năm học mới bắt đầu nên số lượng lớp giảm xuống, tuy nhiên, đội hình chuyên vẫn hoạt động bình thường. Anh nói: “Hiện số lượng lớp có giảm so với giai đoạn hè và chỉ hoạt động chủ yếu và buổi tối (khóa hè các lớp hoạt động cả 3 buổi: Sáng, chiều, tối), gồm hát, múa, võ thuật, đàn,… cùng với các lớp chuyên: Lân sư rồng, phóng viên nhỏ, kèn, trống đội,… Các em sau khi tham gia những lớp năng khiếu sẽ được tuyển chọn tham gia lớp chuyên, sinh hoạt đều đặn và không cần đóng học phí”.

Chúng tôi đến một lớp dạy đàn organ tại NTN. Lớp học có hơn 10 học viên vì không phải dịp cuối tuần. Cô Lê Thị Tường Vy - giáo viên phụ trách lớp cho biết, lớp mở suốt tuần và học viên có thể đăng ký học vào bất cứ ngày nào trong tuần. Thường các bạn chọn dịp cuối tuần vì có nhiều thời gian rảnh. Em Cam Nguyễn Phúc Nguyên, 9 tuổi, học sinh của lớp cho biết: “Em mới học lớp này được hơn 1 tháng. Trước đây em có học múa ở NTN cũ, nhưng sau đó không học nữa vì mẹ em nói để đến khi có NTN mới, có lớp học đàn mẹ sẽ cho em học. Em rất thích lớp đàn, em đã biết đàn chút chút rồi”.


Lớp học đàn buổi tối tại Nhà Thiếu nhi

NTN tỉnh là 1 trong 9 công trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. NTN được xây dựng gồm khối nhà chính, hệ thống cấp thoát nước, sân, đường, hàng rào, nhà bảo vệ, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, nhà xe. Khu nhà chính bao gồm: Khu hành chính, đại sảnh triển lãm, thư viện và 22 phòng học chức năng phục vụ cho việc dạy và học các môn năng khiếu. Tổng kinh phí đầu tư đến thời điểm hiện tại là 46 tỉ đồng cùng với một số thiết bị cần thiết. Hiện NTN đã cơ bản hoàn tất những hạng mục chính và được đưa vào sử dụng. Một số hạng mục còn lại: Cây xanh, hệ thống chiếu sáng, thang máy, nhà xe sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng trong tương lai. Ngoài ra, NTN đã tham mưu xin chủ trương đầu tư khu vui chơi miễn phí, đã được Tỉnh ủy đồng ý (Kết luận số 378-KL/TU ngày 17-3-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và đang trong quá trình thực hiện.

 

Hiệu quả một công trình

Anh Nguyễn Thế Anh cho biết thêm, từ khi đưa vào sử dụng, NTN đã được sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa công năng so với thiết kế. Chỉ riêng khóa hè 2014-2015, đã khai thác sử dụng trên 85% công năng của công trình. Còn 3 bộ môn chưa tổ chức học tại NTN là nữ công gia chánh, múa rối và nhạc cụ dân tộc. Đến nay, NTN đã duy trì thường xuyên trên 900 em tham gia sinh hoạt học tập (vượt so với kế hoạch đề ra là 800 em). Việc xây dựng NTN đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các lớp học năng khiếu. Trước đây, khi cơ sở vật chất còn khó khăn, các lớp chỉ được duy trì một cách “cầm chừng” với số lượng có hạn ở một vài thể loại.

Kể lại về lớp đàn của mình ở NTN cũ, cô Lê Thị Tường Vy nói: “Lúc trước, ở NTN cũ lớp mở ít, mà học viên cũng ít. Phòng cũ, thỉnh thoảng nếu mưa lớn có khi bị ngập nước”. Nhiều lớp học năng khiếu được mở không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn phục vụ cho cả sinh viên. Bạn Đỗ Thị Trúc Ngân - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, cho biết bạn đăng ký học lớp đàn ở NTN nhằm bổ trợ kiến thức cho môn đàn ở trường. Lớp của Ngân có rất nhiều bạn theo học ở NTN. Các bạn muốn có thêm thời gian thực hành, nhằm tự tạo cơ hội cho mình sau khi tốt nghiệp và lớp học năng khiếu ở NTN là sự ưu tiên lựa chọn.

Không chỉ phục vụ cho các lớp học, NTN tỉnh còn phát huy vai trò là nơi sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi toàn tỉnh khi các hoạt động: Trại xuân, ngày hội Hoa phượng đỏ hay sân chơi chủ điểm hàng tháng đều được tổ chức tại khuôn viên NTN. Trước đây, mỗi khi tổ chức các hoạt động, ban tổ chức đều phải thuê địa điểm của các đơn vị khác, gây khó khăn trong việc quản lý học sinh tham gia. Ngoài ra, NTN còn là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng khác: Khai mạc Thanh niên tình nguyện hè của tỉnh, triển lãm Trường Sa, Hoàng Sa,… Hội trường cũng được sử dụng tổ chức một số hội nghị phù hợp với quy định.

Đánh giá về hiệu quả của NTN, Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo nhận xét: “NTN tỉnh được đưa vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc thanh thiếu nhi tỉnh nhà, đặc biệt là thiếu nhi ở trung tâm tỉnh. Các câu lạc bộ, tổ, nhóm năng khiếu cho thiếu nhi trong tỉnh và thành phố có điều kiện phát triển về cả số lượng và chất lượng. Đồng thời, NTN còn là nơi góp phần tổ chức các sự kiện của tỉnh: Hội sách, triển lãm, hội thảo, tọa đàm,…”.

NTN tỉnh đã phát huy vai trò tích cực của mình trong việc tạo sân chơi giải trí lành mạnh, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi trong địa bàn tỉnh nói chung và TP.Tân An nói riêng./.

Xem thêm>>

Bài 5: Trường THPT chuyên Long An nơi ươm mầm những tài năng

Bài 2: Đường Tân Tập - Long Hậu; đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh: Động lực phát triển kinh tế khu vực

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích