Huỳnh Minh Phong tuyên truyền các kiến thức về phòng tránh, điều trị HIV/AIDS tại một khu trọ ở huyện Bến Lức
Minh Phong hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An.
Từ năm 2019, tuy đang học lớp 12 nhưng Minh Phong đã là cộng tác viên tiếp cận hỗ trợ các trường hợp nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế TP.Tân An.
Đầu năm 2020, Minh Phong về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với vai trò cán bộ phụ trách tiếp cận cộng đồng cho tiểu dự án EPIC tại Long An.
Tại đây, Minh Phong tìm kiếm được nhiều cộng sự chung chí hướng. Hiện em hỗ trợ kỹ thuật cho 4 nhóm, tại 4 địa phương trọng điểm trong tỉnh: Tân An, Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc và các huyện khác, thị xã trong tỉnh.
Trong hành trình nhiều năm làm cán bộ tiếp cận cộng đồng, Minh Phong đã trở thành cánh tay đắc lực cho các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS và là “người đồng hành” với nhiều bệnh nhân HIV/AIDS. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 3 năm làm cán bộ phụ trách tiếp cận cộng đồng, Minh Phong bồi hồi kể về một trường hợp sắp về hưu, thường xuyên ốm đau nhưng bản thân và gia đình không biết bị nhiễm HIV.
Đến khi phát hiện, bệnh nhân bị đồng nhiễm nhiều bệnh, tải lượng virút HIV rất cao, giai đoạn cuối gần sang AIDS. Đứng giữa lằn ranh sinh tử, được sự tư vấn của Minh Phong, bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An.
Minh Phong chia sẻ: “Từ sự động viên, khích lệ của tôi và sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ và gia đình, sau 1 năm, từ một người gầy chỉ nặng hơn 30kg, chú đã khỏe hơn nhiều.
Giờ gặp lại, chú và gia đình biết ơn tôi rất nhiều. Tôi cũng rất vui vì đã giúp được chú và gia đình, niềm vui này không có giá trị vật chất nào bằng”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Minh Phong và các cộng sự cũng phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, chia sẻ các kiến thức về phòng, chống và điều trị HIV cho công nhân, người lao động; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trên địa bàn tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, từ đó chia sẻ đến giáo viên và học sinh các nội dung như giảm kỳ thị và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, các tiến bộ trong điều trị HIV hiện nay, chương trình điều trị PrEP, tư vấn xét nghiệm HIV,...
Huỳnh Minh Phong vui vẻ, nhiệt tình trong một buổi tuyên truyền cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức)
“Tuy chỉ 45 phút chia sẻ với học sinh nhưng cũng phần nào truyền tải kiến thức đến các em. Đặc biệt, tôi nhìn thấy sự hào hứng của các em, sau đó nhiều trường học còn chủ động liên hệ mời tôi về tuyên truyền, chia sẻ tiếp” - Minh Phong chia sẻ thêm.
Những năm qua, Minh Phong nói riêng và những thành viên trong các nhóm hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương trong tỉnh nói chung, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động, cách làm hay như tìm kiếm, tiếp cận, tuyên truyền, vận động các trường hợp có nguy cơ làm xét nghiệm sàng lọc, trường hợp đã nhiễm HIV/AIDS thực hiện các dịch vụ y tế cần thiết; đồng thời, chia sẻ kiến thức về phòng, tránh HIV/AIDS,... nhằm góp phần kéo giảm tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh./.
Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) là dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế của Việt Nam. Trong đó, 6 tỉnh, thành phố ưu tiên đạt mục tiêu 90/90/95 gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu chung là hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0,3%; đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. |
Khánh Duy