4 bí quyết vàng bạn nhất định phải biết để trị hết thâm mụn
Trị mụn đã khó, trị thâm sau mụn càng khó hơn. Đừng để mọi nỗ lực trị mụn và thâm của mình "đổ sông đổ bể" vì không biết trước 4 bí quyết vàng này.
Không phải ai cũng may mắn có một làn da đẹp, ít mụn. Trị mụn là quá trình vô cùng stress với nhiều người. Thế nhưng để trị thâm sau mụn thì quá trình này lại càng khó khăn hơn nhiều. Và nếu không đủ kiến thức, sự kiên trì thì bạn sẽ dễ gặp cảnh "công cốc" lắm đấy. Hãy lưu ngay 4 tip vàng trị thâm mụn bên dưới để có làn da sáng khỏe nhanh hơn nhé:
Càng sớm càng tốt
Đối với các vết thâm mụn, bạn càng "đánh nhanh" sẽ càng dễ để "thắng nhanh" hơn. Có những vết thâm nhẹ có thể nhanh chóng bay biến sau vài ngày với những bước chăm sóc da cơ bản, nhưng với những vết thâm sâu, cứng đầu thì nếu không can thiệp, nó có thể ở lì trên da cả tháng, thậm chí trở thành khuyết điểm lâu dài trên da. Ngay khi hết mụn, hãy bắt tay vào xử lý ngay vết thâm tại vị trí đó để đảm bảo làn da được phục hồi nhanh hơn.
Ảnh: Internet
Chọn đúng "cộng sự"
Bạn muốn trị thâm nhưng lại không có "trợ thủ" đắc lực thì sao có thể đạt được hiệu quả mong muốn. Hai thành phần vàng được các bác sĩ da liệu công nhận về tác dụng trị thâm mụn đó là vitamin C và retinol, vì vậy, khi chọn các sản phẩm chăm sóc da sau mụn nhất định phải chọn sản phẩm có 1 trong 2 thành phần này. Ngoài ra, hãy để da thư giãn với một số "món ăn" từ thiên nhiên như lô hội, trà xanh, nghệ... những thực phẩm vừa bổ dưỡng vừa hữu dụng trong giảm hắc sắc tố trên da.
Ảnh: Internet
Bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm chứa cả vitamin C hoặc retinol chung với các chiết xuất trên để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nên lưu ý không sử dụng cùng lúc vitamin C với retinol vì nó sẽ khiến làn da bạn "ngộ độc", gây các vấn đề khác cho da. Bạn có thể dùng vitamin C và buổi sáng, retinol cho buổi tối.
Ảnh: Internet
Tẩy da chết hóa học
Đây được xem là bước quan trọng trong công cuộc trị thâm đúng cách. Tẩy da chết giúp loại bỏ lớp biểu bì chết bên ngoài bề mặt da, thúc đẩy quá trình tái tạo, thay mới của làn da và giúp các hoạt chất dễ dàng thẩm thấu vào sâu dưới da, có tác dụng rõ ràng hơn. Bạn có thể chọn các sản phẩm tẩy da chết hóa học có chứa AHA với nồng độ từ nhẹ tới nặng tùy thuộc vào độ "quen thuộc" của da với AHA, nếu bạn mới sử dụng hãy dùng nồng độ thấp để tránh da bị "shock" sẽ gây tác dụng ngược. Hãy hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đạt hiệu quả tốt mà không làm hại tới da.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Luôn nhớ bôi kem chống nắng
Dù bạn có tích cực trên con đường trị thâm tới đâu, có sử dụng bao nhiêu sản phẩm đắt tiền nhường nào đi nữa, nếu quên hoặc bỏ qua việc bôi kem chống nắng hàng ngày, bạn đang tự hủy hoại mọi nỗ lực của bản thân đấy. Không nói tới việc tia UV khiến da bị nám, tàn nhang, kích thích sự phát triển của hắc sắc tố khiến vết thâm lâu mờ hơn. Chỉ nói tới việc bạn sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mụn như AHA, vitamin C hay retinol sẽ khiến da mỏng hơn, nhạy cảm hơn, đó là điều kiện lý tưởng cho tia UV nhân cơ hội tấn công làn da yếu ớt của bạn lúc này.
Nếu không được bảo vệ, da chẳng những không mờ được thâm mà còn có thể thâm sạm nặng hơn, lão hoá nhanh hơn. Hơn thế, không cần phải có nắng mới có tia UV, tia UV tồn tại vào ban ngày và thậm chí là cả buổi chiều tối, nên nếu cứ nghĩ có nắng mới cần bôi kem chống nắng thì bạn đang mắc phải sai lầm lớn đấy. Trừ khi trời mưa, nếu không chỉ cần ra khỏi nhà, hãy luôn nhớ bước kem chống nắng trước đó khoảng 20 phút để chúng hoạt động tốt nhất trên da. Kem chống nắng nên có chỉ số SPF từ 30 trở lên và cần được bôi lại sau 2-3h để đạt hiệu quả bảo vệ da. Nếu bạn đi bơi, tiếp xúc với nước hoặc ra nhiều mồ hôi hãy sử dụng loại chống nước để tránh kem chống nắng bị rửa trôi nhé.
Ảnh: Internet
Theo VOV.VN
- Nữ du khách bị voi tấn công tử vong ở Thái Lan (07/01)
- Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: Nghệ nhân và nỗi lo 'cơm áo' (Bài 2) (07/01)
- Hai tuần vận hành metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên: Khách tăng gấp 3 lần kế hoạch (06/01)
- Bình Phước tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (06/01)
- Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: 'Chiếc nôi' di sản (Bài 1) (06/01)
- Chuyện về 'cô Sáu cầu Ông Lãnh' (06/01)
- Mời quý độc giả đón đọc Giai phẩm Xuân Ất Tỵ năm 2025 (04/01)
- Đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam (04/01)