Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

4 năm xây dựng nông thôn mới

Chương trình số 10-CTR/TU, ngày 2-11-2011 về đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới là một trong 4 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cả hệ thống chính trị, sự chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) của người dân, qua 4 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả phấn khởi, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (thứ hai, bên trái sang); kiểm tra công tác xây dựng NTM xã Dương Xuân Hội

Diện mạo mới

Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, bình quân số tiêu chí NTM đạt là 12,7 tiêu chí/xã, tăng 6,7 tiêu chí so năm 2010. Bước vào chặng nước rút đã có 8 xã đầu tiên đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014. Đó là Tân Lân, Mỹ Lệ, Mỹ Yên, Bình Quới, Hòa Phú, Dương Xuân Hội, Hậu Thạnh Đông và Khánh Hưng. Bây giờ, có dịp đi qua các xã NTM trong tỉnh, dễ dàng nhìn thấy những con đường liên ấp, liên xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa đồng bộ; hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư kiên cố hoặc xây dựng mới ngày càng nhiều hơn. Song song đó, các công trình như nhà văn hóa, trạm y tế, trường mầm non,… cũng dần được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, thu nhập và đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Thu nhập của người dân ở 8 xã điểm là 31 - 41 triệu đồng/người/năm. Trình độ tay nghề người lao động của các xã đã hoàn thành xây dựng NTM ngày càng cao nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề.Công tác chăm sóc sức khỏe ở cộng đồng dân cư nông thôn cũng được cải thiện. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng so với trước khi xây dựng NTM.

Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững,... Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, cho biết, sau 4 năm xây dựng NTM, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 99%; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 31 triệu đồng người/năm, tăng 10 triệu đồng so với thời điểm năm 2010,…

Quy hoạch NTM là cơ sở để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, ngay từ đầu, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện và giao Sở Xây dựng làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra; có 48 xã đăng ký xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đề nghị UBND tỉnh xét duyệt 36 xã đạt tiêu chí giai đoạn 2010-2015. Đến cuối năm 2013, toàn bộ các xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch NTM (chậm 1 năm so với so với yêu cầu). Nguyên nhân chậm chủ yếu là do tích hợp chung cả 3 nội dung quy hoạch, nhưng Trung ương chậm có văn bản hướng dẫn; một số xã chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan trong tổ chức lập quy hoạch NTM; đa số đơn vị tư vấn chưa có kinh nghiệm lập quy hoạch sử dụng đất và nhất là về quy hoạch sản xuất. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt, Long An đã trở thành tỉnh đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về số xã đạt chuẩn NTM.

Trong giai đoạn 2011-2014, các địa phương đã triển khai thực hiện hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi. Từ sự đầu tư có trọng điểm đã đem đến lợi ích lớn cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình xây dựng NTM đã tạo ra sự chuyển biến lớn, người dân và doanh nghiệp chủ động tham gia đóng góp cho chương trình xây dựng NTM. Trong 4 năm qua, ước toàn tỉnh huy động được hơn 16.000 tỉ đồng xây dựng NTM, trong đó: Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, chiếm 45,8%; ngân sách tỉnh hỗ trợ chiếm 1,5% và vốn khác 6,5 tỉ đồng, vốn huy động nhân dân đóng góp tự nguyện chiếm 38,1%; vốn tín dụng chiếm 11,2%; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ chiếm 1,8%; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác chiếm 1,6% đóng góp xây dựng NTM.

Dân làm, dân quản lý và dân hưởng thụ

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Chỉ đạo NTM tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền, cho biết, ngoài nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các xã để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất trong xây dựng NTM, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách được triển khai khá hiệu quả. Đến nay, ngoài nguồn vốn ngân sách, người dân đóng góp trên 6.000 tỉ đồng. Việc huy động đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng NTM được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không ép buộc. Người dân đóng góp bằng nhiều hình thức như hiến đất, hoa màu, công lao động, vật kiến trúc,…

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Trương Văn Biết cho rằng: Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Châu Thành đã huy động các nguồn lực xã hội, thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tập trung đầu tư sửa chữa, xây mới đường giao thông nông thôn,… Đồng thời triển khai nhiều mô hình điểm, dự án sản xuất thanh long có hiệu quả. Đến nay, Châu Thành có 3 xã đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn khang trang hơn, người dân đã vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm xã NTM Tân Lân, huyện Cần Đước, ông quan tâm đến vai trò giám sát của người dân khi xây dựng các công trình hạ tầng và lưu ý chính quyền địa phương: Xây dựng NTM phải bảo đảm chất lượng, từ vai trò Nhà nước là chính, dân là phụ, giờ chuyển sang dân là chính, Nhà nước hỗ trợ, nói cách khác là dân làm chủ, tự đứng ra xây dựng làng xóm của mình. Hãy để người dân làm, dân quản lý, sẽ không thất thoát.

Hùng Dũng
 

Chia sẻ bài viết