Tiếng Việt | English

20/08/2024 - 17:24

5 cách chữa trào ngược dạ dày tại nhà hiệu quả, dễ làm

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, đau ngực, khó nuốt,... Bên cạnh việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể áp dụng một số mẹo tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những mẹo chữa trào ngược dạ dày mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà.

1. Uống trà gừng

Bạn có biết, gừng không chỉ là gia vị làm cho món ăn thêm đậm đà mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa.

Thành phần gingerol trong gừng có tác dụng làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm viêm và ức chế tiết axit, từ đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu của trào ngược dạ dày như ợ nóng, ợ chua.

Cách pha trà gừng cũng rất đơn giản, bạn cần rửa sạch 1 củ gừng tươi rồi thái thành từng lát mỏng. Cho gừng vào ấm, đổ vào 300ml nước sôi và hãm trong khoảng 15-20 phút.

Hãy uống trà gừng khi còn ấm, ngày uống 2-3 cốc, trước hoặc sau bữa ăn khoảng 30 phút.

2. Uống nước mật ong pha nghệ

Nghệ chứa curcumin, một hoạt chất có tác dụng kháng viêm, thúc đẩy làm lành các tổn thương do acid dạ dày gây ra, giảm thiểu cảm giác đau rát, khó chịu thường gặp ở người bị trào ngược. 

Khi uống, mật ong có độ nhớt dính, có thể bám vào niêm mạc thực quản và dạ dày, từ đó bảo vệ thực quản khỏi sự tấn công của axit dạ dày, làm giảm cảm giác nóng rát và đau đớn do trào ngược dạ dày gây ra.

Mật ong cũng giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, ngăn ngừa tiết quá nhiều acid, từ đó giảm các triệu chứng trào ngược. 

Hãy chuẩn bị một cốc nước chứa 200ml nước ấm, thêm 2 thìa cà phê tinh bột nghệ vào cốc rồi khuấy đến khi bột tan hoàn toàn. Tiếp tục thêm 1 - 2 thìa cà phê mật ong (tùy vào khẩu vị ngọt của bạn) và khuấy đều là có thể dùng được rồi. 

3. Xoa bóp 

Một trong những công dụng chính của massage là làm giảm căng thẳng và lo âu, hai yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược dạ dày.

Khi cơ thể thư giãn, hệ thần kinh được ổn định, từ đó giảm bớt sản xuất acid dạ dày quá mức và làm dịu các cơn co thắt cơ dạ dày, giúp giảm cảm giác đau rát.

Massage vùng bụng, đặc biệt là quanh khu vực dạ dày, có thể kích thích quá trình tiêu hóa và giúp đẩy nhanh việc di chuyển thức ăn qua dạ dày, giảm thiểu tình trạng trào ngược.

Ngoài ra, việc xoa bóp các điểm trên cơ thể cũng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp cung cấp oxy và dưỡng chất đến các mô và cơ quan, hỗ trợ quá trình phục hồi niêm mạc dạ dày bị tổn thương.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt, người bệnh nên tìm đến các chuyên gia massage có kinh nghiệm, tránh tự thực hiện nếu không nắm rõ kỹ thuật, vì có thể gây ra tác động không mong muốn.

Tham khảo: 6 huyệt bấm chữa trào ngược dạ dày

4. Nhai kẹo cao su không đường 

Khi bạn nhai kẹo cao su, cơ thể sẽ sản xuất nhiều nước bọt hơn, giúp trung hòa acid dạ dày và làm sạch thực quản, từ đó giảm cảm giác nóng rát do trào ngược gây ra.

Nước bọt có tính kiềm nhẹ, giúp cân bằng độ pH trong dạ dày và làm dịu niêm mạc thực quản bị kích ứng. Ngoài ra, quá trình nuốt nước bọt liên tục khi nhai kẹo cao su cũng giúp đẩy acid trở lại dạ dày nhanh hơn, giảm thiểu thời gian acid tiếp xúc với thực quản.

Việc chọn kẹo cao su không đường còn giúp tránh tác động tiêu cực của chất làm ngọt nhân tạo lên dạ dày; đồng thời, hỗ trợ vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, nên nhai kẹo cao su có chừng mực để tránh nuốt quá nhiều khí, dẫn đến đầy hơi.

5. Áp dụng bài tập yoga

Yoga giúp cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách tăng cường tuần hoàn máu đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm tình trạng trào ngược.

Một số tư thế yoga như tư thế cái cây (Vrikshasana) hoặc tư thế con mèo - con bò (Marjaryasana-Bitilasana) giúp kéo dài và thư giãn cơ hoành, làm giảm áp lực lên dạ dày, từ đó giảm thiểu việc acid trào ngược lên thực quản.

Chi tiết: 7 bài tập yoga chữa bệnh trào ngược dạ dày 

Ngoài ra, yoga còn có tác dụng giảm căng thẳng và lo âu, hai yếu tố có thể làm tăng tiết acid dạ dày. Khi cơ thể và tâm trí được thư giãn, hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giảm nguy cơ trào ngược.

Tập yoga đều đặn giúp cải thiện tư thế và sức mạnh cơ bắp, giảm áp lực lên vùng bụng và dạ dày, ngăn ngừa trào ngược. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý tránh các tư thế yoga gây áp lực lên bụng như cúi gập người hoặc xoắn cơ thể, vì chúng có thể làm tình trạng trào ngược nặng hơn.

Trào ngược dạ dày thực quản là một vấn đề sức khỏe phổ biến, nhưng với các biện pháp chăm sóc tại nhà, bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu triệu chứng trào ngược dạ dày kéo dài và nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời./.

M.H

Chia sẻ bài viết


Đau Dạ dày và nguyên nhânTOP công ty thiết kế nội thất uy tín