Người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ nhựa PET tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Điều 57 quy định giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình như sau:
Giấy phép lái xe ôtô và giấy phép lái xe hạng A4 trước ngày 31/12/2016; Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.
Ngay sau khi Thông tư được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng quy định của Bộ Giao thông Vận tải buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe vẫn còn hạn sử dụng sang loại thẻ nhựa (PET) là lãng phí và cực kỳ vô lý, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính với hàng triệu người, có thể gây tốn kém hàng ngàn tỷ đồng của dân.
Đặc biệt, việc quy định thời hạn đổi giấy phép lái xe A4 trước ngày 31/12/2016 đã tạo nên một “cơn sốt” về thủ tục hành chính để nhằm tránh được một cuộc “sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.”
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ tư pháp đã phải vào cuộc xem xét và khẳng định rằng, đối chiếu với các quy định hiện hành, nội dung Điều 57 Thông tư số 58 không phù hợp, không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật này.
Theo phân tích về mặt pháp lý thì giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới.
Trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe phải được pháp luật bảo đảm.
Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.
Sự thấu tình đạt lý chính là dựa trên nhu cầu và quyền lợi của người dân được pháp luật bảo đảm. Bất kỳ một văn bản pháp quy, pháp luật nào không bảo đảm quyền lợi của nhân dân thì đều không thể đi vào cuộc sống; và đều đi ngược lại tinh thần của hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta.
Những người tham mưu, tham gia xây dựng thông tư nêu trên chắc chắn sẽ hiểu rõ nguyên tắc này.
Vậy thì tại sao họ vẫn đưa ra một thông tư vừa trái với lòng người vừa trái với quy định của pháp luật? Thực tế khi thông tư này được thi hành đã gây ra tác động tiêu cực với đời sống xã hội trên nhiều mặt, ít nhất là tốn tiền, mất thời gian, chưa kể người phải thi lại.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề, tại sao trước khi xây dựng thông tư 58, các chuyên gia có trách nhiệm xây dựng và ban hành không khảo sát, đánh giá các tác động về kinh tế, xã hội, đời sống của các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh mà lại đưa ra một mệnh lệnh hành chính mang tính áp đặt đối với người dân, dù biết rằng, nó mang lại cho dân không ít phiền hà?
Đưa ra thông tư này, là do những "tác giả" của nó không có tài, không có tầm hay không có tâm? Dù bất kể là ai thì cũng cần phải làm rõ trách nhiệm và họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó kể cả trên phương diện hành chính và pháp luật.
Một thông tư sai luật đã được triển khai, ít nhất 5 triệu người đã đổi giấy phép theo thông tư 58 với số tiền bỏ ra ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng là một việc làm trái pháp luật, đã nói lên mức độ ảnh hưởng của thông tư này cùng với trách nhiệm của những người xây dựng và ban hành thông tư trên phương diện pháp lý và quản lý ngành.
Giữa lúc nhân dân cả nước đang hết sức phấn khởi, chăm chú theo dõi với một niềm tin rằng chúng ta sẽ có một Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp hành động, kiến tạo và liêm chính thì việc triển khai thực hiện thông tư 58 của Bộ Giao thông Vận tải lại có vẻ đi ngược lại quyết tâm của Chính phủ và sự kỳ vọng của nhân dân. Cũng may, sự bất cập của Thông tư 58 đã được giải quyết dù muộn./.
Nguyễn Quang Vinh/TTXVN