Tiếng Việt | English

15/03/2017 - 11:08

Bánh ống - tuổi thơ tôi

Dừng chân chờ đèn đỏ tại ngã ba Bình Ảnh, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, tôi nghe tiếng xình xịch của máy nổ, cùng mùi thơm nồng của gạo nếp, quay lại nhìn thì chợt nhận ra quầy bán bánh ống, anh xay bánh, chị ngồi buộc bánh, trời nắng thế mà anh chị vẫn vừa làm, vừa cười nói với nhau. Nhìn những chiếc bánh nóng hổi vừa ra lò, tôi lại thấy nhớ, dường như mới chỉ 10 năm trước thôi, đây còn là món bánh xa xỉ trong ký ức tuổi thơ tôi.

Nghề gia truyền

Chị Huỳnh Thị Thúy, 31 tuổi, quê ở Sóc Trăng, hai vợ chồng anh chị lên Long An lập nghiệp được 2 năm nay. Vừa trò chuyện, đôi bàn tay chị Thúy vẫn thoăn thoắt lấy từng cái bánh ống cho vào bịch buộc chặt. Gia đình chị gắn bó với nghề làm bánh ống này từ đời ông nội cho đến tận bây giờ. Dù nghề này thu nhập khá bấp bênh, hôm bán được, hôm không, thế nhưng hai vợ chồng chị chưa bao giờ nghĩ sẽ chuyển sang nghề khác. Dù có hôm vất vả cả ngày nhưng không bán hết được, cả nhà chiều hôm đó phải ăn bánh trừ cơm. Nghề làm bánh ống nuôi sống gia đình chị từ xưa đến nay, những vui buồn trong cuộc sống của chị đều trải qua cùng ghe xay bánh ống, chị nói, nếu bỏ nghề thấy tiếc, nên thôi.

Vợ chồng chị Thúy chọn mảnh đất Long An mưu sinh với nghề làm bánh ống

Gia đình chị có 7 anh chị em, tất cả đều mưu sinh bằng nghề làm bánh ống, người thì Cần Thơ, người Cao Lãnh, Tiền Giang, riêng hai vợ chồng chị chọn Long An là nơi lập nghiệp. 8 năm trước, anh chị vẫn sống trên ghe, theo con nước đi khắp nơi, rồi anh chị có con, không thể để con cứ lênh đênh theo cha mẹ dọc con sông, lấy ghe làm nhà được. Gửi ông bà nội một bé, anh chị cùng đứa con trai út lúc đó vừa tròn 3 tuổi khăn gói lên Long An. Gom góp hết số tiền có được, anh chị thuê phòng trọ, mua một chiếc xe, chị thì bán cố định tại ngã ba Bình Ảnh, còn anh chạy xe dọc khắp các ngõ xóm để bán.

Ngoài bánh ống, anh chị còn làm thêm bánh cốm, đây cũng là món bánh bán khá đắt. Một ngày của anh chị bắt đầu từ 6 giờ sáng - anh làm bánh, chị cho vào bịch, cứ thế đến 10 giờ được khoảng 60 bịch. Tất cả từ bánh cốm, bánh ống gạo tẻ thơm hay bánh ống gạo lứt đều có giá 10.000 đồng. Cũng có người không mua bánh xay sẵn mà mang gạo đến xay, với 1kg gạo, anh chị lấy tiền công 15.000 đồng.

Ống gạo tuổi thơ

Uống vội ngụm nước, chị Thúy lấy bánh mang ra xe cho chồng: “Mỗi ngày, anh bán nhiều hơn tôi do anh hay chạy vào trong vùng nông thôn, tụi nhỏ trong đó giờ còn mê bánh ống lắm!”. Chị bán ở đây chỉ mong bán được vào lúc công nhân ra ca, còn lại cũng vắng khách; có hôm, anh chị chỉ xay 30 bịch, vậy mà bán cũng không hết.

Chị Lan làm việc tại Khu công nghiệp Long Hậu Hòa Bình, là khách hàng quen của chị Thúy chia sẻ: “Cứ 2, 3 ngày, tôi lại mua 2 bịch bánh cho đứa con ở nhà, chồng tôi cũng thích ăn, lâu lâu lại dặn tôi chiều ghé mua bánh ống về ăn”.

Bánh ống bây giờ không còn là loại bánh xa xỉ, đắt tiền như trong ký ức tuổi thơ của tôi nữa, và dường như cũng khó có thể tìm gặp lại những ghe làm bánh ống như xưa với tiếng rao quen thuộc “Ai bánh ống không?”. Thế nhưng cho đến tận bây giờ, những âm thanh xình xịch từ chiếc máy quay ống gạo cũ kỹ cùng cái bánh nóng hổi vừa ra lò, mà lúc đó, bọn trẻ chúng tôi hay nhét đầu ngón tay vào bánh ống rồi ăn dần,... vẫn cứ mãi theo tôi!

Dương Tiên

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích