Tiếng Việt | English

16/06/2016 - 08:57

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa, bão

Hiện nay đang vào mùa mưa, bão, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên những chuyến đò ngang được các địa phương và ngành chức năng quan tâm. Long An hiện có khá nhiều bến đò ngang chưa bảo đảm an toàn cho hành khách. Nhiều bến chưa có giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Bên cạnh đó, lưu lượng người và phương tiện qua đò ngày một đông, đặc biệt đang vào mùa mưa, bão nên công tác bảo đảm TTATGT cho những chuyến đò ngang được Ban ATGT tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm.


Cảnh sát Giao thông đường thủy tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa trên sông Vàm Cỏ Tây

Phó Trưởng ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On cho biết: "Hiện nay, tình hình TTATGT đường thủy nội địa trên cả nước diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Được sự chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Long An đẩy mạnh việc chỉ đạo, yêu cầu các địa phương chú trọng công tác bảo đảm TTATGT nói chung và ATGT đường thủy nội địa nói riêng".

Trưởng Công an huyện, Phó Trưởng ban ATGT huyện Mộc Hóa - Đại tá Đào Hòa Nam cho biết: "Công an huyện Mộc Hóa tăng cường công tác phối hợp các đơn vị chức năng như: Cảng vụ, Thanh tra Giao thông Vận tải và công an các xã kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến đò chấp hành quy định về TTATGT đường thủy nội địa, phối hợp UBND các xã biên giới: Bình Thạnh, Bình Hòa Tây tăng cường biện pháp vớt lục bình, bảo đảm thông suốt giao thông thủy nội địa".

Hành khách cầm dụng cụ nổi khi lên phà, thuyền

Mộc Hóa đang thực hiện các chương trình phối hợp cấp cơ sở, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tham gia đăng ký, đăng kiểm phương tiện, tổ chức các khóa học theo quy định cho người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chính quyền các xã tổ chức cho các hộ dân, nhất là chủ bến đò ký cam kết bảo đảm ATGT khi chở khách qua sông.

Gần đây, đơn vị thực hiện tuyên truyền Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) quy định rõ: Chủ bến, người lái đò không phát áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho khách qua đò, khách qua đò không mặc áo phao, không sử dụng dụng cụ cứu sinh theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt. Mức phạt tương đương với người không đội nón bảo hiểm khi đi môtô xe máy (từ 100.000 đến 200.000 đồng).

Phát biểu tại buổi lễ phát động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Thủ Thừa - Dương Văn Tuấn nhấn mạnh: "Thủ Thừa là huyện có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, giao thông thủy nội địa có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động vận tải thủy nội địa trong thời gian qua vẫn chứa đựng nhiều bất cập. Trong 6 tháng năm 2016, trên địa bàn huyện xảy ra 1 vụ TNGT đường thủy làm chết 1 người. Hiện nay, huyện vẫn tồn tại tình trạng phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện chở khách, bến đò ngang không bảo đảm an toàn nhưng vẫn hoạt động, phương tiện chở quá tải trọng, quá số người quy định. Đặc biệt, tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản lấn chiếm luồng lạch trên sông, kênh, rạch vẫn diễn ra nhưng chưa được xử lý triệt để".


Phó Trưởng ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On và Trưởng ban ATGT huyện Thủ Thừa - Dương Văn Tuấn trong đợt tuyên truyền ATGT tại bến đò Vàm Thủ, xã Bình An, huyện Thủ Thừa

Theo chỉ đạo của Ban ATGT huyện Thủ Thừa, từ nay đến cuối năm 2016, huyện tập trung tuyên truyền công tác bảo đảm ATGT đến thuyền viên, chủ bến đò, chủ phương tiện, người làm ăn, sinh sống trên sông nước như: Xây dựng lối sống văn hóa, thói quen tự giác chấp hành như mặc áo phao khi qua đò; chủ bến, chủ phương tiện luôn nhắc nhở khách phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi trên tay. Đặc biệt, thay đổi cách ứng xử khi có TNGT hoặc sự cố trên sông, mọi người tham gia cứu giúp người và phương tiện bị nạn, không bỏ chạy khi xảy ra TNGT, phải tích cực áp dụng biện pháp cứu giúp người bị đuối nước trên sông,... Ban ATGT huyện yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cấp cơ sở tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa, đề cao trách nhiệm cá nhân người thực thi công vụ, bảo đảm "tính mạng con người là trên hết".

Anh Nguyễn Trọng Phước - chủ bến đò Vàm Thủ, xã Bình An, huyện Thủ Thừa cho biết: Tôi đại diện cho các thuyền viên của bến đò cam kết chấp hành quy định về ATGT đường thủy nội địa, bố trí đúng, đủ còi, tín hiệu phương tiện, không chở quá số người quy định, yêu cầu hành khách mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi khi qua sông. Ngoài ra, khi mùa mưa, bão đến, yêu cầu hành khách cẩn thận khi lên xuống phà.

Cần Giuộc là địa bàn có hệ thống sông, kênh, rạch nối với các địa phương trong, ngoài tỉnh và ra cửa biển. Sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát) dài 32km chảy ngang qua địa bàn chia huyện thành 2 vùng thượng và hạ, sau đó đổ ra sông Soài Rạp, ra biển Đông. Trên các con sông lớn có nhiều bến đò ngang, nổi bật có bến đò Tân Tập (huyện Cần Giuộc - huyện Cần Giờ, TP.HCM); bến đò Đông Thạnh, sông Rạch Cát (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước - xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc); bến đò Phước Vĩnh Đông,... Chính vì vậy, việc bảo đảm ATGT trên các bến đò ngang được Ban ATGT huyện rất chú trọng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Huỳnh Trung Nghĩa cho biết: "Vào mùa mưa, bão, huyện tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền các xã tăng cường công tác bảo đảm TTATGT tại các bến đò ngang. Ngoài ra, việc chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) cũng được Ban ATGT huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành quán triệt thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm an toàn cho khách qua sông"./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết