Báo in trở thành “món ăn tinh thần”
Thực tế, báo in không thể cạnh tranh với báo điện tử về tốc độ và tính tương tác nhưng nó vẫn giữ được nét đẹp riêng bằng những trải nghiệm đọc đầy thư giãn.
Hình ảnh những quán nước nhỏ ven đường cùng những tờ báo in đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống từ hàng chục năm trước. Vào mỗi buổi sáng, nhiều người lại có thói quen gọi một ly cà phê, một tách trà để nhâm nhi và đọc một tờ báo.
4 giờ 30 phút hàng ngày, bà Trương Thị Kim Chi (SN 1959, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) bắt đầu một ngày mới với công việc quen thuộc là bán báo. Bà Chi nguyên là giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (huyện Cần Giuộc) gắn bó với nghề bán báo đã hơn 20 năm nay.
Hiện sạp báo của bà có nhiều đầu báo như Phụ Nữ, Công An, Bóng Đá, Đời Sống Pháp Luật, Thanh Niên,... Nhìn thấy khách hàng quen thuộc vừa tấp xe vào cửa hàng, bà Chi đã hiểu ý và cầm tờ báo đưa cho họ.
“Lấy tờ báo đi chị”, “Tờ báo giống hôm qua nha”, “Lấy một tờ Bóng Đá”,... như lời chào buổi sáng thân thương, thể hiện sự gắn bó giữa bà Chi và khách hàng.
“Báo in vẫn giữ sức hút riêng với nhiều người, nhất là những người trung niên và cao tuổi. Báo in tuy có giảm số lượng nhưng tôi nghĩ vẫn sẽ được duy trì vì nó lâu đời rồi, nó như truyền thống vậy đó!” - bà Chi chia sẻ.
Mỗi ngày, bà Chi bán được khoảng 50 tờ báo. Tuy sức mua giảm nhiều so với ngày trước nhưng bà vẫn vui với nghề bởi mong muốn mang đến cho mọi người nguồn thông tin bổ ích.
Bà Chi nói: “Có những thông tin phải đọc kỹ, suy ngẫm thì mới có thể hiểu được nên tôi thấy báo in vẫn còn rất quan trọng. Hình ảnh mỗi buổi sáng, nhiều người nhâm nhi tách trà, ly cà phê rồi đọc báo, cùng bàn luận, chia sẻ với nhau,... nhộn nhịp và vui lắm!”.
Thật vậy, với nhiều người, việc đọc báo trên điện thoại không phải lúc nào cũng thuận tiện. Đối với những người lớn tuổi, việc đọc báo in dường như đã là một thói quen hàng chục năm nay, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thay thế.
Bên cạnh đó, việc đọc báo in cũng là một cách để thư giãn, “sống chậm lại” và tận hưởng cuộc sống trong mỗi buổi sáng. Giữ trong tay tờ báo còn “nóng hổi”, lật giở từng trang báo và cảm nhận sự chân thực, gần gũi với cuộc sống thực tại. Cùng với đó là mùi giấy, mực, tiếng sột soạt khi lật trang tạo nên một trải nghiệm đọc báo rất riêng.
“Tôi xem báo in là “người thầy””
Như một thói quen không thể thiếu, ông Võ Thanh Nghị (SN 1946, ngụ phường 4, TP.Tân An) bắt đầu một ngày mới với việc đọc báo. Ông Nghị nguyên là Trưởng phòng Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), đã gắn bó với báo in từ những ngày còn hoạt động cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. “Ngày xưa, đâu phải muốn đọc báo là dễ, báo ở trong Nam là ngoài Bắc gửi vào, lãnh đạo sẽ được đọc trước, sau đó nhân viên mới mượn để đọc” - ông Nghị nhớ lại.
Hàng chục năm nay, ông Võ Thanh nghị (phường 4, TP.Tân An) vẫn giữ thói quen đọc báo in
Với ông Nghị, báo in là “người bạn” đồng hành, từ khi về hưu vào năm 2006, ông đăng ký mua báo theo tháng. Mỗi sáng, ông đều chờ đợi tiếng chuông cửa báo hiệu nhân viên bưu điện mang báo đến. Hiện nay, ông Nghị đăng ký Báo Long An, Báo Nhân Dân, Báo Tuổi Trẻ, Báo Quân Đội Nhân Dân để cập nhật tin tức mỗi ngày.
Thông tin từ các tờ báo giúp ông có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội và chính trị. Ông Nghị nói: “Tôi xem báo in là “người thầy” vì cho tôi kiến thức, tin tức mỗi ngày. Ngày nay, có báo điện tử nhưng tôi thấy trên đó còn nhiều thông tin bị sai lệch, sai thì xóa rất dễ. Còn báo in thì qua nhiều khâu kiểm duyệt hơn, đã in ra rồi, nếu bị sai thì không xóa được, phải cải chính, xin lỗi, từ đó trách nhiệm cũng cao hơn. Báo in cũng có thể lưu giữ làm tư liệu”.
Dù công nghệ số phát triển mạnh mẽ và các loại hình báo chí khác xuất hiện, ông Nghị vẫn tin rằng báo in sẽ tồn tại trong thời gian tới. Với ông, việc đọc báo in là một cách để giữ gìn và phát huy văn hóa đọc.
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã có gần 1 thế kỷ và báo in là thể loại báo chí đầu tiên xuất hiện. Không thể phủ nhận rằng báo in đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Rất nhiều cơ quan báo chí phát hành song song cả báo in và báo điện tử. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại không chỉ là biểu hiện của sự tiến bộ mà còn là sự cần thiết để bảo vệ và tôn vinh những giá trị của quá khứ trong thế giới hiện đại./.
Khánh Duy