Bảo vệ môi trường (BVMT) không là vấn đề mới mà được nhắc đến thường xuyên. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh thật tốt.
Con người tác động đến môi trường ngày càng nhiều qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên, khoáng sản,... Vì vậy, BVMT là trách nhiệm của chính chúng ta. Đó không phải là làm việc gì lớn lao mà chỉ cần những hành động nhỏ, xuất phát từ ý thức cá nhân như không vứt rác ra đường, xuống kênh, rạch; biết phân loại rác tại hộ gia đình. Hay khi đi đường, thấy rác vứt bừa bãi, chúng ta nhặt, mang đến nơi tập kết để xử lý. Ở khu vực chúng ta sinh sống, hãy trồng thêm cây xanh, hoa để vừa xây dựng cảnh quan, vừa tạo bầu không khí xanh mát, trong lành,... Những việc này rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí mà ai cũng có thể làm được, chỉ cần có ý thức BVMT.
“Xây” ý thức BVMT cũng là một quá trình. Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình, nhà trường phải giáo dục hành vi BVMT như bỏ rác đúng nơi quy định, không vẽ bậy lên tường, giữ gìn vệ sinh chung,... để các em hình thành và duy trì những thói quen tốt. Bên cạnh đó, người lớn phải nêu gương để trẻ làm theo. Những “hành động đẹp” trong công tác BVMT thật sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động đến ý thức của cộng đồng. Một buổi ra quân Ngày Chủ nhật xanh, Thứ bảy tình nguyện của Đoàn Thanh niên; phong trào đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, xách giỏ đi chợ,... của Hội Phụ nữ hay thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân,... đều mang thông điệp ý nghĩa về BVMT. Khi nhìn thấy những chiếc áo xanh tình nguyện nhặt rác, chặt tỉa cây che khuất tầm nhìn; phụ nữ thu gom, bán phế liệu gây quỹ học bổng, trồng cây xanh, hoa ven đường,... thì chắc chắn, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều hiểu hơn và chung tay BVMT.
Đừng đợi đến khi báo động môi trường bị ô nhiễm thì mới bảo vệ mà hãy xem vấn đề này là việc làm hàng ngày, thể hiện qua những hành động nhỏ nhất của mỗi người./.
Thùy Vân