Tiếng Việt | English

28/09/2022 - 08:43

Bảo vệ người tiêu dùng từ vụ rau VietGAP 'dỏm' vào siêu thị

Mấy ngày qua, dư luận “dậy sóng” khi báo chí phanh phui việc rau sạch “dỏm”, rau ở chợ, rau, củ có xuất xứ từ Trung Quốc đội lốt rau sạch, rau đạt chuẩn VietGAP rồi vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Dư luận xôn xao cũng là điều hiển nhiên bởi vụ việc xảy ra đồng nghĩa với niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng bị “đạp đổ” một cách có hệ thống. Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, không ít người tiêu dùng chẳng ngần ngại trả tiền cao hơn và đặt trọn niềm tin vào các đơn vị phân phối uy tín để bảo đảm có một bữa ăn “sạch” nhưng lại nhận về sự dối trá và lọc lừa.

Vụ việc này, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng hoài nghi, liệu còn bao nhiêu nhà cung cấp mua rau chợ, tự dán nhãn VietGAP để tuồn vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và bán với mức giá cao gấp nhiều lần mà chưa bị “gọi tên”?. Qua vụ việc này, người tiêu dùng mong muốn được bảo vệ quyền lợi của mình nhiều hơn.

Theo quy định của pháp luật, rau sạch phải là rau an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP - tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Tiêu chuẩn này quy định rất nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, đảm bảo khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Để sản xuất rau sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông dân phải đổ mồ hôi trên đồng ruộng, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định trong quá trình canh tác, chi phí đầu tư cũng cao hơn nhiều so với trồng rau bình thường. Những cái tên như rau sạch, rau an toàn, rau VietGAP đã trở thành thương hiệu, tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng bởi đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Mong muốn chọn được những bó rau sạch, an toàn, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhưng họ không thể ngờ rằng, một số công ty, đơn vị phân phối đã gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các cơ sở sản xuất, nông dân thực hiện đúng các quy trình về canh tác rau sạch, an toàn và sơ chế, tiêu thụ nông sản; đảm bảo sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn an toàn; kịp thời tố giác các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, vi phạm về dán nhãn hàng hóa, kinh doanh nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý, trong đó, chú trọng đến kiểm soát việc ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm.

Cần phải thay đổi quy định về “tiền kiểm”, “hậu kiểm” đối với lĩnh vực thực phẩm, bởi đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Nếu thực hiện quy định “hậu kiểm” thì chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” và khi đó, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng đã bị đe dọa như sự việc của Pate Minh Chay cách đây vài năm là một ví dụ. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm, quy trách nhiệm đến cùng cả nhà cung cấp lẫn nhà phân phối.

Đặc biệt, người dân khi mua hàng phải biết tự bảo vệ mình thông qua việc thay đổi tư duy lựa chọn, sử dụng thực phẩm bằng kiến thức, kỹ năng chứ không nên lựa chọn bằng niềm tin, bằng mắt để tránh các mối nguy hại do thực phẩm kém chất lượng gây ra đối với sức khỏe của bản thân và gia đình./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết