Tiếng Việt | English

14/12/2016 - 17:49

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Thời gian gần đây, cụm từ biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn xa lạ. BĐKH đang hàng ngày tác động, can dự trực tiếp và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, những hệ lụy xấu của BĐKH đến với tần suất lớn hơn và nguy hiểm hơn,... ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất.

Thủy lợi Phước Hòa cung cấp nước tưới cho 10.000ha

Ảnh hưởng đến đời sống

Tình trạng hạn kéo dài, mặn xâm nhập, nước biển dâng làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, rau màu; tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, với người dân tại các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc, Cần Đước, BĐKH làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã vùng hạ của 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước diễn ra nhiều năm, là bài toán nan giải đối với các cấp lãnh đạo. Mặt khác, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng. Vào mùa khô, các xã này không chỉ thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp mà nhiều hộ dân phải đổi nước sinh hoạt với giá cao gấp hàng chục lần so với bình thường.

Ông Trần Thanh Nhã, ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước chia sẻ: “Năm nào, khu vực này cũng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, gần đây, tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn do nắng nóng kéo dài. Gia đình tôi phải đổi nước để sử dụng với giá rất cao, nước sinh hoạt dùng rất tiết kiệm, tận dụng nước tối đa, vừa tắm, vừa dùng để tưới rau hoặc giặt đồ chỉ dám dùng nước ngọt xả lại lần cuối cùng. Bên cạnh đó, vụ lúa vừa rồi, gia đình sản xuất 0,5ha nhưng do nắng nóng, xâm nhập mặn nên hầu như mất trắng, lỗ mấy chục triệu đồng”.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc cho biết: “Việc thiếu nước sinh hoạt ở đây diễn ra vài chục năm rồi, năm nào vào mùa khô, gia đình cũng phải đổi nước sinh hoạt giá rất cao, biết vậy nhưng phải “bấm bụng”. Đợt nắng nóng kéo dài vừa rồi, nước sinh hoạt và sản xuất đều khan hiếm. Gia đình nuôi 1 đầm tôm nhưng do nắng nóng kéo dài làm tôm bị bệnh, thiệt hại nặng nề”.

Theo lãnh đạo xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, mùa nắng, người dân phải “gồng mình” đổi nước với giá rất cao, bình quân từ 50.000-100.000 đồng/m3. Tình hình sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn do BĐKH. Nhiều hộ sản xuất lúa, nuôi tôm trên địa bàn bị thua lỗ.

Nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhằm giảm thiểu rủi ro và thích ứng với BĐKH, tỉnh xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng giai đoạn 2010-2030 với 41 dự án, gồm các dự án công trình và dự án phi công trình. Đồng thời, hoàn thành việc cập nhật kế hoạch ứng phó với BĐKH và nước biển dâng giai đoạn 2016-2020 với 14 dự án ưu tiên, tổng kinh phí gần 1.200 tỉ đồng. Các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của ngành, địa phương được rà soát, bổ sung, điều chỉnh và lồng ghép tích hợp với kế hoạch ứng phó BĐKH và nước biển dâng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Nhiều hécta lúa của người dân bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu (ảnh chụp tại huyện Cần Giuộc)

Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐKH cho bộ máy quản lý nhà nước các cấp, các cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và tổ chức nhiều đợt. Tỉnh cũng phối hợp tổ chức quốc tế như: Dự án Rừng và Đồng bằng, dự án Hà Lan phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về BĐKH và nước biển dâng cho các cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện; nâng cao năng lực thích ứng cho người dân, bảo đảm sinh kế cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH,...

Những diễn biến của biến đổi khí hậu thường bất ngờ, phức tạp, nguy hiểm, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, ngoài những giải pháp mang tầm vĩ mô của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hình thành tư duy ứng phó, thích ứng với những tác động ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Những năm qua, các sở, ngành tỉnh thực hiện các công trình ứng phó với BĐKH: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư các công trình tiêu biểu trên 978 tỉ đồng; ngành Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài Chiến lược thích ứng với BĐKH cho khu vực hạ lưu sông Vàm Cỏ. Đây là dự án được đồng tài trợ bởi Chính phủ Hà Lan (đối tác của Chương trình quản lý tài nguyên nước), tỉnh Long An và Trung tâm Quản trị tài nguyên nước Quốc tế với tổng kinh phí khoảng 10 tỉ đồng; ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quy hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất tỉnh Long An đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường với tổng kinh phí 2 tỉ đồng,...

Các cơ quan chức năng xác định, Long An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến xây dựng các bước hành động, phản ứng kịp thời nhằm giảm hậu quả của thiên tai. Tuy nhiên, những diễn biến của BĐKH thường bất ngờ, phức tạp, nguy hiểm, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, ngoài những giải pháp mang tầm vĩ mô của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hình thành tư duy ứng phó, thích ứng với những tác động ngày càng khắc nghiệt của BĐKH./.

Lê Huỳnh- Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết