Đổi thay nhiều mặt
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình An - Dương Vũ Ny, với việc hoàn thành 4 TC: Môi trường và an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và tổ chức sản xuất, đến cuối năm 2018, xã Bình An cơ bản đạt 15/19 TC. Mặc dù chưa đạt xã NTM nhưng hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khang trang. Bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân được cải thiện, nâng lên rõ nét.
Phát triển đàn bò thịt mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân
Hiện nay, toàn xã chỉ còn 3% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm. Đặc biệt, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển giúp người dân kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động.
Để đạt kết quả như hôm nay, Đảng ủy, chính quyền xã Bình An luôn xác định “lấy dân làm gốc” trong XDNTM. Theo đó, xã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Ông Dương Vũ Ny cho biết: “XDNTM là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thế nên, mọi việc trước khi thực hiện, xã đều đưa ra dân bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất”.
Với cách làm này, các công trình, phần việc do địa phương phát động đều nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Ông Cao Văn Hải - thành viên Ban Quản lý giếng nước ấp An Hòa 1, phấn khởi cho hay: “Từ làm đường, xây cầu, nâng cấp giếng nước, xây dựng nhà văn hóa ấp,... tất cả đều có sự đóng góp của nhân dân. Bản thân tôi rất vui vì được góp một phần công sức vào quá trình XDNTM của địa phương”.
Toàn xã hiện có 65% hộ dân sử dụng nước sạch (Trong ảnh: Giếng nước ấp An Hòa 1)
Tiếp tục nỗ lực
Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, năm 2018, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về môi trường và cơ sở vật chất văn hóa. Bên cạnh huy động sự đóng góp của nhân dân và mạnh thường quân để tu sửa, nâng cấp các giếng nước, xã còn được huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng giếng nước mới trị giá trên 5 tỉ đồng, nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trong toàn xã lên 65%.
Đối với TC cơ sở vật chất văn hóa, đến nay, 4/4 ấp đều có điểm sinh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân. Ông Bùi Đức Tấn, ngụ ấp An Hòa 2, vui mừng nói: “Trước đây, trong ấp có hoạt động gì đều phải mượn nhà dân để tổ chức nên rất bất tiện. Từ khi có nhà văn hóa mới, việc hội họp, vui chơi, giải trí được tổ chức thường xuyên hơn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân”.
Riêng TC thu nhập, dù đã đạt theo chuẩn NTM nhưng đây là một trong những TC “mềm” dễ rơi vào tình trạng không bền vững. Vì vậy, xã vận động người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng nông sản. Thời gian qua, xã được huyện chọn làm điểm phát triển đàn bò thịt, do đó, người dân ngoài được hỗ trợ bò giống còn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất.
Nhà văn hóa ấp An Hòa 2 được xây dựng với sự đóng góp của nhân dân
Theo thống kê, toàn xã hiện có gần 250 con bò thịt, số hộ được hỗ trợ bò là 61, số hộ được vay vốn ưu đãi là 44 hộ với tổng số tiền trên 820 triệu đồng. Ông Hồng Văn Hoàng, ngụ ấp An Hòa 2, là một trong những hộ được hỗ trợ vay vốn để nuôi bò trong năm 2018. Đến nay, đàn bò của ông có 6 con và đang phát triển rất tốt. Ông Hoàng bộc bạch: “Cũng nhờ được địa phương hỗ trợ vốn và kỹ thuật, tôi mới mạnh dạn tăng đàn. Cứ đà này, chẳng mấy chốc tôi có thể trả hết nợ rồi!”.
“Để phấn đấu về đích xã NTM năm 2020, năm nay, xã tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các TC đã đạt. Trong đó, tập trung thực hiện 2 TC y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, quan tâm đến bảo đảm vệ sinh môi trường, duy tu, nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH” - ông Dương Vũ Ny thông tin thêm./.
An Kỳ