Bước ra khỏi “vùng an toàn"
Có việc làm, thu nhập ổn định trong một công ty, thế nhưng chị Trương Thị Phượng Hoàng (khu phố 3, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để tìm cho mình hướng đi riêng. Chị Hoàng tâm sự: “Khi tôi chia sẻ với gia đình sẽ nghỉ việc để khởi nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm thì ai cũng phản đối, nhất là cha mẹ, bởi người thân sợ tôi không chịu được vất vả, áp lực. Sau 3 tháng khởi nghiệp, tôi thất bại, đành trả mặt bằng. Không nản chí, tôi tìm kiếm các mô hình kinh doanh khác và “bén duyên” với việc may cờ Tổ quốc và khăn quàng”.
Chị Trương Thị Phượng Hoàng vừa có việc làm, thu nhập ổn định, vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Để làm được điều này, chị mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”, kiên trì nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách
Ban đầu, do chưa am hiểu về kỹ thuật cắt may; đồng thời, nguồn nguyên liệu đầu vào cao khiến giá thành sản phẩm cao hơn so với thị trường. Thế là chị đến TP.HCM để tìm nguồn nguyên liệu ổn định với giá cả hợp lý. Sau đó, chị dành gần 3 tháng tìm hiểu kỹ thuật cắt may. Nhờ tính cần cù, sáng tạo và chịu khó, các sản phẩm của chị được một công ty bao tiêu. Chị Hoàng chia sẻ: “Hiện nay, điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là vừa có việc làm, thu nhập ổn định, vừa có thời gian chăm sóc gia đình với thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương”.
Tương tự chị Phượng Hoàng, bà Nguyễn Thị Mến (ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước) chưa bao giờ đầu hàng trước thất bại. Bà Mến kể: “Năm 1988, vợ chồng tôi bắt đầu ươm cá giống. Thời điểm đó, việc ươm cá giống rất thuận lợi, mang về thu nhập cao cho gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến việc ươm cá giống gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc mất trắng. Trước tình hình trên, tôi vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để duy trì việc ươm cá giống. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, việc ươm cá giống của gia đình đi vào ổn định”.
Bà Nguyễn Thị Mến (bìa phải) (ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước) luôn là “điểm tựa” vững chắc cho gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Hiện gia đình bà Mến ươm trên 15 loại cá giống như điêu hồng, chép, phi, trê, tra,... Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình bà có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ông Phan Văn Tư (chồng bà Mến) bộc bạch: “Khi thấy việc ươm cá giống của gia đình thất bại liên tục, tôi cũng có ý định đổi sang nghề khác nhưng vợ tôi khuyên “thất bại chỗ nào phải đứng lên chỗ đó”, không được lùi bước trước khó khăn. Nhờ những lời động viên trên, tôi mới có đủ lòng tin, nghị lực cùng gia đình vượt qua, nuôi các con ăn học thành tài, có việc làm ổn định”.
Đối mặt với nhiều thách thức, thế nhưng với tinh thần “dám nghĩ, dám làm” cùng nghị lực vượt khó, chị Hoàng, bà Mến đã khẳng định năng lực của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tiếp thêm lòng tin, nghị lực cho phụ nữ khởi nghiệp nhưng còn băn khoăn, do dự.
Cần thay đổi tư duy, nhận thức
Bên cạnh những phụ nữ có tinh thần cầu tiến thì cũng còn không ít phụ nữ sống cam chịu, không dám đổi mới, bước ra “vùng an toàn” để khẳng định giá trị của bản thân, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh - Lê Văn Bạch cho biết: “Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Luật BĐG, Luật Hôn nhân và Gia đình,... Tuy nhiên, một số phụ nữ nông thôn có trình độ văn hóa thấp, có tính cam chịu, không dám mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình trong gia đình nên công tác BĐG ở địa phương chưa đi vào chiều sâu. Nhiều trường hợp bị bạo lực trong gia đình nhưng khi địa phương cử lực lượng đến tiếp cận, giải quyết thì cả gia đình đều giữ kín”.
Suốt 40 năm qua, bà T.T.U. (ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh) phải nhìn tâm trạng của chồng mà sống. Chồng bà U. thường xuyên say xỉn, mắng vợ, la con. Những lúc đó, bà U. chỉ biết qua nhà người thân “lánh nạn”. Bà U. chia sẻ: “Giờ lớn tuổi ly dị thì họ hàng, hàng xóm cười chê, con cái buồn nên cố gắng chịu đựng”. Còn bà N.T.T.V. (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) thích tham gia các hoạt động xã hội nhưng bị chồng phản đối. Ông cho rằng phụ nữ không cần có nhiều bạn mà phải ở nhà chăm sóc chồng con. Với quan điểm này, vợ chồng bà V. thường xuyên to tiếng với nhau dẫn đến cuộc sống gia đình căng thẳng. Bà V. nói: “Nhiều lần, tôi cũng kiên trì giải thích cho chồng nghe để vợ chồng hiểu nhau nhiều hơn nhưng chồng tôi tính gia trưởng, rất khó để thay đổi quan điểm. Điều này làm tôi rất áp lực, cuộc sống cảm thấy rất tù túng, không thoải mái”.
Phụ nữ dần khẳng định giá trị của bản thân
Mục tiêu BĐG là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho cả nam và nữ trong phát triển KT-XH, phát triển nguồn nhân lực; tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Do đó, công tác BĐG phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời, nhiệm vụ này phải làm thường xuyên, liên tục, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của nhiều người về thực hiện bình đẳng giữa nam, nữ trong gia đình và xã hội. Đây được xem là “chìa khóa” xây dựng xã hội bình đẳng, tiến bộ và phát triển./.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ bạo lực gia đình. 100% số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
Tổng số nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: 735/3.069 cấp ủy viên, chiếm 23,9%. Trong đó, cấp tỉnh: 5/52, chiếm 9,6%; cấp huyện: 96/654, chiếm 14,7%; cấp cơ sở: 634/2.363, chiếm 26,8%.
|
Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới; tăng cường lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển KT-XH tại các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương; quy định cụ thể việc thực hiện lồng ghép giới trong các chương trình, kế hoạch của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua việc tăng cường sự tham gia vào công tác lãnh đạo và quản lý của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép cơ chế, chính sách cụ thể về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; biểu dương, khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể làm tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ”.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh - Phan Thị Nguyệt
|
Lê Ngọc