Tháng 6/2020, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và năm 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.
Cùng lúc này, những thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của Covid-19 khiến chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của các doanh nghiệp, tổ chức. Song song với đó, Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, đặt nền móng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo trên con đường chuyển đổi số từ chính sách đến hành động.
(Ảnh minh họa)
Mục tiêu Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025.
Về lĩnh vực chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu số; khai mở giá trị mới, tạo ra không gian phát triển đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội…
Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam có vị trí thứ 86/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục từ vị trí 99 lên vị trí 86. Trong khu vực Đông Nam Á, 5 nước có vị trí cao hơn Việt Nam đã có sự thay đổi là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia.
Định hướng giai đoạn 2024 – 2025, đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là triển khai các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; Phấn đấu 100% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được xử lý trực tuyến; trong đó, 50% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được thực hiện trực tuyến.
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương sẽ triển khai rộng rãi
Để hình dung và cụ thể hóa chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, cần có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, trong những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, báo cáo GII 2022; tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập.
Tuy nhiên, ở cấp địa phương, qua thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia, do nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.
Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam và đã triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố.
“Kết quả đánh giá cho thấy có sự phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương phát triển kinh tế-xã hội và có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương có hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội và trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.
20 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thử nghiệm thuộc 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập và cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình triển khai thử nghiệm, sự tham gia đóng góp ý kiến của các địa phương đã giúp cho Bộ KH&CN xây dựng và hoàn thiện được khung chỉ số và các chỉ số thành phần.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, quá trình thử nghiệm bộ chỉ số cho thấy do hệ thống thống kê của Việt Nam còn chưa bắt kịp với quốc tế nên một số chỉ số hiện chưa được thống kê cả ở cấp quốc gia và địa phương, vì vậy cần phải quyết tâm khắc phục trong thời gian tới để đánh giá xác thực hơn hiện trạng của các địa phương cũng như của quốc gia.
“Sau khi thử nghiệm, năm 2023, PII sẽ được đưa vào triển khai trên cả nước. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ để mỗi tỉnh, thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như những yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khung chỉ số PII được xây dựng mang tính tương đồng, giúp từng địa phương có thể soi chiếu, từ đó điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay./.
Vân Anh/VOV.VN