Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc hướng dẫn nhập khẩu đất vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này đã nhận được báo cáo của cục Hải quan thành phố Hải Phòng, cho biết vướng mắc về thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch đối với các loại đất nhập khẩu: đất sét, đất sét cao lanh, đất chịu lửa, đất sét bentonite… Đây là các loại đất đã nung, xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08.
Việc đưa đất từ nước khác vào Việt Nam có thể mang theo các sinh vật gây hại - Ảnh minh họa
Theo Tổng cục Hải quan, Luật Thương mại, Nghị định 187 (năm 2013) và Thông tư số 4 của Bộ Nông nghiệp không đề cập đến chính sách quản lý, cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện với đất. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 lại có quy định hành vi bị cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Bộ Nông nghiệp đồng ý bằng văn bản.
Trên cơ sở này, Tổng cục Hải quan đề nghị phía Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể chi tiết về kiểm dịch đối với các loại đất, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khá bất ngờ với thông tin trên bởi cho đến thời điểm này ông cũng chưa nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan.
Ông Trung cho biết, Bộ NN&PTNT chưa từng xử lý trường hợp nhập khẩu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hay sản xuất phân bón hữu cơ.
Do đó, theo ông Trung, cần phải xem mục đích của việc nhập khẩu đất đấy để làm gì, nếu doanh nghiệp đó nhập khẩu đất để làm nguyên liệu phân bón, thì thuộc phạm vi Bộ NN&PTNT quản lý, Bộ sẽ xem xét các quy định. Còn nếu việc nhập khẩu đất đó để làm nguyên liệu phi nông nghiệp, nhập về để làm nguyên liệu công nghiệp thì do Bộ Công thương quản lý.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) khẳng định, theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (2013) đã quy định rõ việc đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam là hành vi bị cấm, trừ trường hợp được đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế những trường hợp đặc biệt có thể được nhập về đó là đất hiến tặng nhưng được kiểm soát chặt chẽ và được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bằng văn bản. Những trường hợp khác nhập về mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng là nhập khẩu trái phép.
Theo bà Kim Anh, việc siết chặt nhập khẩu đất theo quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học trong nước. Bởi khi đưa đất từ nước khác vào Việt Nam có thể mang theo các sinh vật gây hại lạ vào mà chúng ta không kiểm soát hết được, gây ra dịch bệnh, dịch hại cho cây trồng./.
Theo Infonet