Tiếng Việt | English

04/11/2017 - 14:13

Bộ Tư pháp triển khai việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 và Luật Tiếp cận thông tin

Sáng ngày 04/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp-Lê Thành Long chủ trì hội nghị trực tuyến quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành 01/01/2018 và Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2018.

Đây là hai văn bản pháp luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, được người dân quan tâm nhiều.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Tiến Châu: Bộ luật Hình sự 2015 (gọi tắt BLHS) có nhiều nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới về chính sách hình sự đối với tội phạm và hình phạt.

Phó giám đốc Sở Tư pháp-Nguyễn Văn Lâm chủ trì phía đầu cầu Long An.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Long An

Việc xây dựng BLHS 2015 thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp với chủ trương “Đề cao có hiệu quả việc phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ tử hình với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

BLHS 2015 bỏ hình phạt tử hình 7 tội danh (cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch).

BLHS 2015 bổ sung thêm 2 trường hợp cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối tượng đủ 75 tuổi trở lên; người phạm tội tham ô, nhận hối lộ tài sản nhưng sau đó hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý tội phạm, lập công lớn, chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản,...

Theo Vụ trưởng Vụ Hình sự và Hành chính Bộ Tư pháp-Nguyễn Thị Kim Thoa: Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, chính vì vậy Luật Tiếp cận thông tin ra đời điều chỉnh mối quan hệ trong việc tiếp cận thông tin của công dân. Luật Tiếp cận thông tin ban hành ngày 06/4/2016, gồm 5 chương, 37 điều. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Phạm vi điều chỉnh của luật nhằm vào giải quyết vấn đề liên quan, bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị cũng lắng nghe các cơ quan, Viện kiểm sát tối cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an,… trình bày tham luận, thể hiện trách nhiệm trong việc quán triệt thực hiện sớm đưa hai văn bản pháp luật quan trọng đi vào đời sống./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết