Cá chết hàng loạt: Phát hiện váng chất lỏng màu vàng
Liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung, sáng 22-4, đoàn kiểm tra của Tổng Cục thủy sản đã làm việc với các đơn vị liên quan.
Cán bộ thuộc đoàn công tác kiểm tra, lấy mẫu cá nuôi lồng chết tại khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Nhật Linh
Liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung, sáng 22-4, đoàn kiểm tra của Tổng Cục thủy sản do bà Nguyễn Thị Phương Dung, phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế cùng các cơ quan liên quan đến vụ cá chết.
Tại đây, đoàn đã được nghe đại diện Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế thông tin tình hình cá biển tự nhiên chết tập trung chủ yếu dọc biển xã Lộc Vĩnh và cá nuôi lồng chết ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc).
Ngoài ra, đoàn cũng đã trực tiếp xuống tại hai khu vực nói trên để tìm hiểu, thu các mẫu môi trường nước, trầm tích, cá để đem về phân tích, đánh giá.
Trưa 22-4, PV Tuổi Trẻ đã theo đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đã đến hiện trường nơi cá chết thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế để lấy mẫu đem về Hà Nội kiểm nghiệm.
Kết thúc buổi lấy mẫu, đại diện đoàn kiểm tra cho biết vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cá chết bất thường mấy ngày qua là do đâu.
Tại khu vực cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nhiều ngư dân đã dẫn đoàn đến nơi có cá chết, họ cho biết thấy rất nhiều váng chất lỏng, có bọt, màu vàng nổi lềnh bềnh trên biển trong ngày đầu tiên phát hiện cá chết dạt bờ.
“Chất lỏng đó bám đầy vào phao đặt lưới cá của chúng tôi. Khi tôi cầm lên và ngửi thì không thấy mùi hôi” - ông Nguyễn Văn Phúc (trú thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh) kể lại.
Anh Phúc còn cho biết, địa điểm phát hiện váng chất lỏng màu vàng cách cầu cảng Chân Mây hơn 500m, trải dài dọc bờ biển Bình An (xã Lộc Vĩnh). Chúng chỉ xuất hiện trong một ngày, đến hôm sau thì không còn nữa.
Tại đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô), đoàn kiểm tra đã đến khu vực nuôi cá lồng của ông Văn Quý (38 tuổi, trú An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô) để tiến hành lấy mẫu. Ông Quý là một trong những hộ nuôi cá lồng thiệt hại nặng nề nhất tại đây với hơn 2.000 con cá bị chết.
Một cán bộ trong trong đoàn kiểm tra cho biết, những mẫu phẩm lấy được ở các vùng có cá chết dọc khu vực các tỉnh miền Trung sẽ được đưa về các phòng thí nghiệm thuộc Bộ NN&PTNT và nhiều đơn vị chức năng để xét nghiệm chất độc hại.
Chuyên gia trong đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT sử dụng thiết bị lấy mẫu nước tại khu vực xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) - Ảnh: Nhật Linh
Mẫu nước được lấy sẽ được gửi đến các phòng thí nghiệm thuộc Bộ NN&PTNN và các cơ quan chức năng liên quan để phân tích, kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân cá chết dọc bờ biển miền Trung - Ảnh: Nhật Linh
Một cá chết trôi dạt vào vùng biển thuộc cảng Chân Mây (Phú Lộc) được đoàn kiểm tra phát hiện - Ảnh: Nhật Linh
Người dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đưa thuyền đánh cá vào bờ vì cá chết, không ra khơi nữa - Ảnh: Nhật Linh
Người dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đưa thuyền đánh cá vào bờ vì cá chết, không ra khơi nữa - Ảnh: Nhật Linh
Ông Văn Quý (38 tuổi, trú An Cư Đông 2, TT Lăng Cô) cho biết số cá nuôi lồng của gia đình ông bị chết trên 2.000 con. Những chiếc lồng nuôi cá được ông “vất” ngổn ngang trên bờ vì “cá đã chết hết, lấy gì mà nuôi nữa” - Ảnh: Nhật Linh
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường Liên quan đến tình hình cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NNPTNT và các tỉnh liên quan làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các tỉnh bị ảnh hưởng (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương xác định nguyên nhân; thu gom, xử lý số lượng cá chết không để ô nhiễm môi trường; thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Liên tục trong các ngày qua, trên phạm vi 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống và sinh kế của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các địa phương triển khai đoàn công tác để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp xử lý. Để đảm bảo vấn đề an toàn đối với sức khỏe người dân liên quan đến việc cá chết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp trước mắt sau: Thông báo, tuyên truyền để người dân biết, không sử dụng cá chết để chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi; triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, xử lý đúng quy cách, không để xảy ra tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời các diễn biến mới về Bộ Tài nguyên và Môi trường để có biện pháp xử lý. |
Nhật Linh - Minh An/tuoitre online
- Giá dầu tăng, xăng E5 và RON95-III giảm nhẹ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (23/01)
- Nami Stay Đà Nẵng - Điểm đến chất lượng dịch vụ vượt trội (23/01)
- Nông dân Cần Giuộc thu hoạch dưa hấu tết (23/01)
- Giá vàng hôm nay 23/1: Vàng nhẫn tăng sốc thêm gần triệu đồng (23/01)
- Chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn (23/01)
- Chuyển biến trong hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt (23/01)
- Những ưu đãi đặt trước Galaxy S25! (23/01)
- Điện thoại Samsung S25 Ultra giá bao nhiêu? Vì sao đáng nâng cấp? (23/01)