Ngoài tăng lãi, nhiều ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền... Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Khảo sát biểu lãi suất tháng 9 niêm yết trên trang web của các ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước.
Mới đây, ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên 6,9%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.
Đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm, có ngân hàng huy động lên tới 8,8%
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm lên 4%/năm. Tương tự với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng tăng 0,1%/năm lên 6,9 - 7%/năm. Còn với kỳ hạn 6 - 7 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,15% đưa lãi suất tiết kiệm lên 6,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng khi gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng cho gói "Tài lộc" hay gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi" sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1% so với trước đó, lên 6,1 - 6,2%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cho sản phẩm này kỳ hạn 24 tháng là 7,7%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,55%/năm; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với 7,3%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7,1%/năm...
Lãi suất huy động thuộc nhóm "Big 4" gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tiếp tục duy trì tương tự hồi đầu tháng 8 với mức cao nhất là 5,6%/năm.
Ngoài tăng lãi, nhiều ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền... Cùng với đó, nếu khách hàng chọn các gói tài khoản đặc biệt kèm điều kiện về số tiền, thời gian gửi, không được phép rút ra trước hạn... còn được ngân hàng áp dụng mức lãi cao hơn, có thể lên đến 7,75% cho kỳ hạn 12 tháng.
Theo thống kê của Chứng khoán Agribank (Agriseco), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì cao hơn tăng trưởng huy động.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt mức 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, dao động từ 5,5 - 7,55% một năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.
Giới chuyên gia cho rằng động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua có thể nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) để tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, tăng lãi suất huy động còn để kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết việc tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 - 70 điểm cơ bản nếu hạn mức tín dụng được nới. Như vậy, lãi suất huy động trong cả năm 2022 có thể tăng từ 1 - 1,5%.
“Room” tín dụng năm 2022 đã được điều chỉnh cho các ngân hàng có đề nghị
Theo thông cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Kết quả điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được thực hiện dựa trên kết quả xếp hạng mới nhất theo quy định tại Thông tư 52 (ban hành năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước), tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022 và diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.
"Việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng theo Thông tư 52 là nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng", thông cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cụ thể được phân cho từng tổ chức tín dụng dựa trên hai cơ sở: (i) Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung). (ii) Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Bên cạnh việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đăng ký, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 8/2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 26/8/2022, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021, mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý, lạm phát không còn là nguy cơ mà đã trở thành rủi ro hiện hữu. Việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
"Mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Đặc biệt, chỉ tiêu này được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu...", Phó Thống đốc nói./.
|
Theo nld.com.vn