Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Như vậy, các nơi bán hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân lo sợ, tập trung mua dự trữ nhiều loại thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp.
Nguồn lương thực thực phẩm được doanh nghiệp dự trữ lớn, không lo thiếu hụt
Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch Covid-19 theo 5 cấp độ. Các doanh nghiệp được yêu cầu và đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả,...
Bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh phân phối hàng hóa, Long An có nhiều thuận lợi do có nhiều cửa hàng tiện ích như Bách Hóa Xanh, Vinmart+, San Hà Foodstore, cửa hàng bách hóa tổng hợp,... tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, kể cả vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Hiện nay, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ lên đến 750 tỉ đồng. Nguồn hàng dự trữ được tăng cường nhiều hơn cả các tháng cao điểm của đợt Tết Nguyên đán 2020, thậm chí, nhu cầu của người dân cao hơn, nguồn cung vẫn sẵn sàng.
Bách Hóa Xanh hiện có trên 50 chuỗi cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Đại diện đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng cho biết, hệ thống hiện dự trữ 55 tấn gạo, 75.000 gói mì tôm, 33.000 lít dầu ăn, 77.000 lít nước uống, trứng, thịt gà, thịt heo,...
Công ty Cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Long An hiện có nguồn hàng dự trữ lên đến gần 15 tỉ đồng đối với các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, có 2 triệu gói mì, 60.000 lít dầu ăn, 50.000 lít nước uống,... Ngoài ra còn có Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, hệ thống Sài Gòn Co.op,... cũng dự trữ khá nhiều hàng hóa gồm gạo, gia vị, nước chấm và nhiều loại hàng hóa khác.
Nguồn hàng dự trữ lớn phục vụ người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh
Bên cạnh nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chuẩn bị nguồn khẩu trang kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn, gồm: Công ty TNHH Dệt May Trung Quy (KCN Hải Sơn, Đức Hòa) có khả năng may 200.000 khẩu trang/ngày, Công ty Cổ phần thời trang Kowil Việt Nam có thể sản xuất 10.000 khẩu trang/ngày,... Các doanh nghiệp này cam kết khi Long An cần khẩu trang kháng khuẩn sẽ sẵn sàng cung cấp nhanh và đưa đến tận nơi cần.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Trung Quy - Trần Văn Quy cho biết, khẩu trang của doanh nghiệp hiện đang bán rộng rãi tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity trên toàn quốc, trong đó có Long An.
Theo ông Lê Minh Đức, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội trong 15 ngày vẫn được ra khỏi nhà mua hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống. Vì vậy, người dân không nên dự trữ, mua nhiều thực phẩm, hàng hóa để dùng trong thời điểm dịch bệnh.
Trường hợp tỉnh Long An có diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh, Sở Công Thương cũng có phương án vận chuyển hàng hóa đến người dân. Điển hình như Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, Công ty Cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Long An, Sài Gòn Co.op, San Hà Foodstore,... có trên 250 xe chuyên dụng chở thực phẩm và sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh thực hiện phân phối hàng hóa khi có nhu cầu.
Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Công Thương đề nghị lãnh đạo các địa phương, Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, khi có bất kỳ thiếu hụt nguồn cung nào thì cần sớm báo về Sở để phối hợp cùng doanh nghiệp điều phối ngay hàng hóa từ nơi khác về nơi đang cần.
Đồng thời, Sở Công Thương cũng tính đến phương án phối hợp doanh nghiệp phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, rau củ quả,... bán hàng dã chiến, bán hàng lưu động. Tất cả hàng hóa phân phối khi cần đều bảo đảm về chất lượng, xuất xứ nên người tiêu dùng an tâm, không cần phải tích trữ./.
Mai Hương