Trong những ngày qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến phương thức, thủ đoạn mà kẻ xấu mạo danh giáo viên gọi điện thoại báo tin cho phụ huynh để lừa nộp tiền cho con đang cấp cứu. Điều này gây hoang mang cho các phụ huynh có con em đang đi học.
Câu chuyện lừa đảo này bắt đầu từ TP.HCM, chỉ trong vài ngày, một số phụ huynh bị lừa hàng trăm triệu đồng bởi tin lời của kẻ xấu rằng con mình đang bị tai nạn. “Kịch bản” này đang lan ra một số địa phương gần TP.HCM. Vào ngày 07/3/2023, Công an xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An phát thông báo đã tiếp nhận phản ánh của người dân về việc có đối tượng mạo danh giáo viên gọi báo tin cho phụ huynh, lừa chuyển tiền qua tài khoản để cấp cứu cho con. May mắn là phụ huynh đã đến trường tìm hiểu sự việc trước khi chuyển tiền nên không bị sập bẫy lừa tiền.
Trước thủ đoạn này của bọn lừa đảo, dư luận xã hội rất bức xúc, đề nghị chính quyền, ngành chức năng quyết liệt điều tra, xử lý; đồng thời cảnh báo cho mọi người dân cùng phòng ngừa, đấu tranh.
Trong khi chờ lực lượng chức năng điều tra, xử lý bọn lừa đảo, qua vụ việc này chúng ta thấy còn nhiều việc để bàn, để phòng ngừa. Trước hết, ở xã Đức Hòa Thượng, Công an xã khuyến cáo các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp và cơ sở giáo dục thông báo đến các trường học và các ấp tăng cường tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh nắm rõ và chủ động phòng ngừa. Khi phát hiện các trường hợp như trên, cần giữ bình tĩnh, liên lạc ngay với nhà trường hoặc Công an để tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo.
Cần tăng cường củng cố mối quan hệ: Gia đình - nhà trường - xã hội trên từng địa bàn, cơ sở giáo dục. Cụ thể, tăng cường tương tác, kết nối giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh. Công khai các số điện thoại của những người có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của học sinh trong nhà trường như số điện thoại đường dây nóng, ban giám hiệu, giám thị, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, bảo vệ,… để phụ huynh có thể liên lạc khi cần.
Bên cạnh đó, thành lập các nhóm Zalo có sự tham gia của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm,… để trao đổi, nhắc nhở những công việc cần thiết, cấp bách trong quá trình học tập ở trường, lớp. Trong mọi trường hợp, phụ huynh cần giữ bình tĩnh tìm hiểu kỹ thông tin về số điện thoại, người gọi, vụ việc. Có thể xác minh qua những người có trách nhiệm trong trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm (phụ huynh phải lưu số điện thoại giáo viên chủ nhiệm, nhà trường).
Nếu nhà không quá xa trường học, bệnh viện, nơi xảy ra tai nạn,… phụ huynh cần trực tiếp đến để xác minh cho chính xác trước khi quyết định chuyển tiền. Đó là cách hữu hiệu để phòng ngừa, tránh sập bẫy tin giả, lừa đảo hiện nay. Mặt khác, học sinh đều được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và có đăng ký bệnh viện khám chữa bệnh ban đầu. Trong trường hợp khẩn cấp, nhà trường sẽ chủ động xử lý việc này, chắc chắn không yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Đây là điều quan trọng phụ huynh cần biết.
Vụ việc lừa đảo bằng cách mạo danh giáo viên gọi điện thoại báo tin cho phụ huynh để lừa nộp tiền cho con đang cấp cứu đã làm xôn xao dư luận, gây bức xúc, bất an trong xã hội, nhất là các bậc phụ huynh. Do vậy, các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, vừa tuyên truyền phòng ngừa, vừa quyết liệt điều tra, xử lý kẻ lừa đảo. Hiện các số điện thoại, tài khoản ngân hàng,… dùng lừa đảo tiền của phụ huynh vẫn còn lưu, phần còn lại là nghiệp vụ của lực lượng chức năng.
Qua vụ việc này có thể rút ra bài học kinh nghiệm là cần bình tĩnh xử lý thông tin trước khi quyết định làm gì, nhất là các vụ việc liên quan đến tài sản, tiền bạc. Sống phải có niềm tin nhưng không cả tin. Cảnh giác luôn không thừa khi xã hội còn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại,.../.
Kim Quy