Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ở nước ta có gần 2000 trẻ em bị đuối nước. Đuối nước đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ trong các loại “tai nạn thương tích đối với trẻ em”.
Sở dĩ trẻ em bị đuối nước nhiều là do ở nước ta, hệ thống sông, ao, hồ, kênh, rạch chằng chịt. Trong khi đó, công tác phòng, chống, cảnh báo tại những nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn đuối nước chưa được quan tâm đúng mức.
Mặt khác, nhận thức và hiểu biết của cộng đồng, gia đình và bản thân thanh, thiếu nhi về tai nạn đuối nước còn thấp, xem nhẹ sự nguy hiểm về đuối nước đối với trẻ em. Bản thân trẻ chưa được học bơi từ nhỏ, không được trang bị kiến thức về an toàn sông nước và kỹ năng thoát hiểm nếu bất ngờ gặp sự cố.
Để phòng, tránh, cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em, về lâu dài, cần đưa chương trình dạy bơi vào trường học, nhất là ở cấp tiểu học và THCS. Bản thân mỗi gia đình cần định hướng, thường xuyên nhắc nhở con trẻ nơi vui chơi, quản lý chặt chẽ con trẻ, tránh đến chơi ở những nơi nguy hiểm, cảnh báo con em có ý thức tự bảo vệ mình; quan tâm trang bị cho các em kỹ năng bơi lội, kỹ năng cần thiết trong phòng, tránh tai nạn đuối nước và xử lý tình huống khi phát hiện người bị đuối nước; rèn luyện thói quen sử dụng áo phao, phao cứu sinh và các vật dụng tiện ích khác để phòng, tránh đuối nước.
Tại những nơi có nguy cơ cao về đuối nước, cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng biển báo, biển cấm, rào chắn,... bố trí lực lượng canh gác và phương tiện ứng trực để xử lý tình huống.Trẻ em đang nghỉ hè, đây là thời điểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước, các cấp, các ngành, đoàn thể cần tổ chức nhiều điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích để giúp các em có kỳ nghỉ hè vui tươi, an toàn./.
Mỹ Hạnh