Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu đến tháng 11 phải chấn chỉnh xong tình trang bày bán động vật hoang dã gây phản cảm tai chợ Nông sản Thạnh Hóa
Còn tình trạng bày bán động vật hoang dã gây phản cảm
Nằm trên tuyến Quốc lộ 62, thuộc địa bàn khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, trước giờ, CNS Thạnh Hóa được biết đến là "thiên đường" mua bán chim, cò, động vật hoang dã của miền Tây. Hầu như các loài chim, cò có nguồn gốc tự nhiên: Chim vạc, mỏ nhác, ốc cao, trích, cò, le le, vịt trời, cu gáy, các loài rắn, rùa đều có mặt tại chợ này. Thậm chí nếu quen biết, một số “thượng khách” còn có thể mua được những động vật thuộc hàng quý hiếm có trong Sách Đỏ cần được bảo vệ như rắn hổ, culi,... Báo chí, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng bày bán, giết mổ công khai các loài động vật hoang dã được săn bắt trong tự nhiên vẫn diễn ra. Nhiều trường hợp người mua có nhu cầu giết mổ, tiểu thương sẵn sàng vặt lông sống, thiêu chết chim, cò dưới ngọn đèn khò để chiều lòng khách.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CNS Thạnh Hóa vốn tự phát, hoạt động từ năm 2014 đến nay. Hiện khu vực chợ có 53 tiểu thương kinh doanh. Ngoài các mặt hàng nông sản phổ biến của vùng như khoai mỡ, khoai mì, củ ấu, ngó sen,... được bày bán thì trong chợ còn có 23 hộ mua bán các loài gia cầm và động vật hoang dã. Đa phần các mặt hàng được bày bán là các loài chim, cò, rắn, rùa và một số loài động vật thông thường khác. Trước đây, tình trạng bày bán động vật hoang dã gây phản cảm như vặt trụi lông rồi treo ngược chim, cò, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, buôn bán các loài động vật thuộc nhóm nguy cấp cần bảo vệ được phản ánh rất nhiều. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quyết liệt ra quân thực hiện chấn chỉnh lại hoạt động tại chợ bước đầu có những hiệu quả tích cực. Đến nay, hành lanh an toàn lộ giới được bảo đảm, không còn tình trạng vặt trụi lông chim, cò treo ngược như trước. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại CNS Thạnh Hóa, còn một số hộ mua bán chim, cò cố tình phớt lờ cảnh báo của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cấm hình thức treo ngược chim, cò thì một số hộ mua bán lại “lách” quy định bằng cách vặt lông chim, cò nhưng bày bán phía dưới và thực hiện việc giết mổ theo yêu cầu của khách.
Ngoài việc bày bán, giết mổ gây phản cảm, khu vực CNS Thạnh Hóa vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải nên tiểu thương trực tiếp xả các chất thải, xác động vật chết xuống bờ kênh dọc theo Quốc lộ 62 và khu vực phía sau chợ gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Khó cấm người dân buôn bán
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Đỗ Văn La, từ năm 2014 đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp công an tổ chức 298 đợt kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với 45 trường hợp vi phạm hành chính, phạt tiền 45 triệu đồng. Trong đó, tịch thu 32kg tương ứng 52 con động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB và 745kg động vật rừng thông thường. Đặc biệt, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm phát hiện và tiến hành bắt giữ 2 vụ vi phạm, tang vật gồm 4 cá thể culi thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IB.
Hiện chợ nông sản Thạnh Hóa có 23 hộ mua bán gia cầm, động vật hoang dã
Song song với công tác kiểm tra, xử phạt, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường và các cơ quan chuyên môn huyện Thạnh Hóa tiến hành lắp đặt các panô, áp phích trên các trục, tuyến giao thông quanh khu vực CNS để tuyên truyền việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội đối với việc bảo vệ động vật rừng hoang dã trước nguy cơ tận diệt từ con người.
Tuy nhiên, hiện nay, việc cấm người dân buôn bán động vật hoang dã gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do chim, cò được người dân săn bắt nhỏ, lẻ để bán lại cho các hộ kinh doanh. Mặt khác, các loài động vật hoang dã được bày bán hiện nay tại CNS Thạnh Hóa như chim vạc, cò nhạn, cò ốc, ốc cao, chim trích, le le, các loại rùa, rắn,... không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước theo quy định. Bên cạnh đó, khi tiến hành kiểm tra, các đối tượng bị kiểm tra thường cố tình che giấu, tẩu tán tang vật vi phạm là động vật rừng nằm trong danh mục quản lý để đối phó với cơ quan chức năng nhằm trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Phải tìm và xử lý các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo, trước thực trạng bày bán, giết mổ động vật hoang dã tại CNS Thạnh Hóa gây phản cảm, UBND huyện đã nhiều lần trực tiếp đối thoại với các hộ kinh doanh và vận động các hộ không kinh doanh lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt, UBND huyện yêu cầu các hộ dân không được treo ngược chim, cò trong khi bày bán để tránh gây phản cảm cũng như ký cam kết không buôn bán các loại động vật thuộc danh mục cấm. Đến nay, tình trạng treo ngược chim, cò gây phản cảm không còn xuất hiện, các hộ kinh doanh cũng ý thức hơn việc dọn vệ sinh cũng như bảo đảm an ninh, trật tự. Đối với những hộ cố tình vi phạm, mua bán các loài động vật thuộc danh mục cấm, khi phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm hoặc buộc dừng kinh doanh. “Hàng tuần, tôi đều trực tiếp đi kiểm tra tại chợ để có biện pháp chấn chỉnh việc bày bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ lén lút buôn bán các loài động vật cấm. Hiện chúng tôi tăng cường lắp đặt thêm hệ thống camera tại chợ phục vụ quá trình theo dõi, kiểm tra cũng như xử lý đối với các hộ cố tình vi phạm” - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo thông tin.
Chợ nông sản Thạnh Hóa tuy được chấn chỉnh nhưng vẫn còn hộ dân lén lút bày bán, giết mổ chim, cò gây phản cảm
Trước một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, kiểm tra việc bày bán động vật hoang dã gây phản cảm tại CNS Thạnh Hóa, ngày 27-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện Thạnh Hóa cùng các ngành chức năng để tìm các giải pháp chấn chỉnh tình trạng này. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, ngoài việc người dân đánh bắt nhỏ, lẻ động vật hoang dã trong tự nhiên về bán cho các hộ buôn bán tại chợ thì có một số lượng lớn động vật hoang dã được vận chuyển từ nơi khác đến. Đây cũng là nguồn hàng chính, chủ yếu được các hộ kinh doanh cung cấp ra thị trường. Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu Công an tỉnh, UBND huyện Thạnh Hóa chỉ đạo lực lượng công an bằng các biện pháp nghiệp vụ sớm điều tra, nắm và đề xuất xử lý các đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng và UBND huyện Thạnh Hóa sớm hoàn thành các thủ tục, làm việc với nhà đầu tư và các hộ kinh doanh, đến tháng 11 phải chấn chỉnh xong tình trạng bày bán động vật hoang dã gây phản cảm tại khu vực CNS Thạnh Hóa./.
Hiện UBND huyện đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục để trình các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh thành lập chợ nông sản Thạnh Hóa. Khi được thông qua, chợ nông sản Thạnh Hóa sẽ được điều chỉnh, bố trí theo hướng: Phía ngoài cùng giáp Quốc lộ 62 sẽ là hệ thống trạm dừng chân, nghỉ ngơi, tham quan của các đoàn xe. Phía trong là nơi bày bán các mặt hàng nông sản của địa phương. Khu vực buôn bán gia cầm, động vật sẽ được bố trí vào trong cùng. Các hộ mua bán động vật sẽ buộc phải đăng ký các mặt hàng kinh doanh, cam kết không buôn bán động vật hoang dã nằm trong danh mục cấm. Hướng tới lập lại trật tự kinh doanh tại chợ nông sản Thạnh Hóa".
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo
|
Kiên Định