Tiếng Việt | English

14/07/2016 - 10:58

Chấn chỉnh việc kinh doanh nhạc sống, karaoke di động - Cần lý thức người dân

Ngày 1/4/2016, UBND tỉnh Long An ban hành Công văn 1105 về việc tăng cường quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung chấn chỉnh tình trạng các xe bán kẹo kéo kèm theo ca nhạc, hoạt động cho thuê dàn nhạc sống, karaoke di động,... gây tiếng ồn, hoạt động quá giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của người dân ở các địa phương. Hơn 2 tháng thực hiện, hoạt động này ở các địa phương có giảm, chuyển biến tích cực nhưng chưa triệt để...


Vừa hát nhạc gây tiếng ồn, vừa bán kẹo kéo ảnh hưởng đến những người xung quanh vẫn xuất hiện ở TP.Tân An

Có chuyển biến...

TP.Tân An là một trong những địa phương có số hộ kinh doanh dàn nhạc sống khá nhiều, với 165 hộ. Từ khi thực hiện Công văn 1105 của UBND tỉnh, một số hộ “giải nghệ” nên con số này còn 153 hộ. Theo đánh giá của Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP.Tân An - Võ Ngọc Ẩn, từ khi các địa phương quyết liệt tuyên truyền, vận động những hộ kinh doanh nhạc sống ký cam kết và thực hiện theo Công văn 1105 của UBND tỉnh, việc hát nhạc sống quá giờ quy định gây ồn ào giảm nhiều so với lúc trước.

Trước đây, ở khu vực đường Trần Văn Chính, phường 4, TP.Tân An, thỉnh thoảng cứ 2-3 ngày, một số bạn bè thuê dàn nhạc sống, nhậu nhẹt, ca hát đến tận khuya nhưng gần đây giảm hẳn. Anh NVH, nhà ở đường Trần Văn Chính cho biết: “Ban ngày, tôi chạy xe ba gác, tối về mệt, muốn nghỉ ngơi nhưng nhà hàng xóm hát inh ỏi đến tận khuya nên khó ngủ. Nhưng gần 1 tháng nay thì ít hát hơn, có hát cũng không còn quá khuya như trước”.

Ở huyện Bến Lức, khi có Công văn 1105 của UBND tỉnh, Phòng Văn hóa Thông tin tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 638/UBND-VX, ngày 19-5-2016 về việc triển khai thực hiện Công văn 1105 của UBND tỉnh. Theo đó, các xã, thị trấn bắt tay rà soát các hộ kinh doanh nhạc sống để tuyên truyền, vận động ký cam kết và đăng ký kinh doanh.

“Qua rà soát, toàn huyện có 89 hộ kinh doanh dàn nhạc sống và karaoke di dộng. Tính đến thời điểm này, có 22/89 hộ đăng ký kinh doanh và ký cam kết, số còn lại, các địa phương tiếp tục vận động đăng ký kinh doanh, ký cam kết về giờ hoạt động. Phòng Văn hóa Thông tin huyện mời 89 hộ trên đến để triển khai nội dung Công văn 1105 của UBND tỉnh, các quy định của pháp luật về lĩnh vực văn hóa công cộng” - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cao cho biết.


Hát nhạc sống là loại hình giải trí nên không cấm nhưng phải thực hiện đúng quy định về giờ giấc, tiếng ồn và nội dung bài hát

... Nhưng chưa triệt để

TP.Tân An tuy có chuyển biến tích cực về hoạt động karaoke di động, nhạc sống ở vài nơi nhưng đâu đó trong thành phố, tình trạng hoạt động này gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh còn xảy ra. Ở xã Lợi Bình Nhơn, 11 giờ 30 phút ngày 11-7-2016, một nhóm bạn nhậu trong một quán ven đường gọi nhạc sống đến hát ầm ĩ.

Chị NTTT bức xúc: “Trưa đi làm về đến nhà, muốn nghỉ ngơi để tỉnh táo làm việc buổi chiều nhưng chẳng thể ngủ được vì tiếng hát quá lớn”. Theo ông Võ Ngọc Ẩn, để hạn chế việc hát hò buổi trưa, ảnh hưởng đến giờ nghỉ ngơi của người dân, địa phương phải quyết liệt thực hiện tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, người chơi phải tự ý thức, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Ngoài ra, vào buổi tối, dạo quanh các quán nhậu, tình trạng xe Honda chở theo dàn nhạc, vừa hát, vừa bán kẹo còn xuất hiện. Tại các quán ốc ở phường 4, một người hát xưng tên Hoài Tâm vừa hát phục vụ khách nhậu những bài vọng cổ, nhạc dân ca, vừa bán kẹo kéo. Dù chưa 22 giờ nhưng khi hát lớn vẫn ảnh hưởng đến người xung quanh, vì theo ý kiến của một vài khách trong quán ốc, bạn bè gặp nhau, vừa ăn ốc, vừa tâm sự, chuyện trò cũng khó bởi tiếng hát át tiếng nói.

Trao đổi vấn đề này, ông Võ Ngọc Ẩn cho biết: “Đa số những người này đều từ nơi khác đến, vừa hát, vừa bán kẹo kiếm sống. Trước đây, loại hình hát đường phố này xuất hiện nhiều ở TP.Tân An nhưng giờ đã giảm. Những trường hợp này khi bắt gặp đều được nhắc nhở. Nếu vẫn hoạt động mà không có giấy đăng ký kinh doanh thì sẽ bị xử phạt hoặc tịch thu phương tiện”.

Còn ở huyện Châu Thành, tình trạng hát nhạc sống, karaoke di động gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, sinh hoạt của người dân bị cử tri phản ánh rất nhiều. Từ đó, ngành chức năng tích cực vào cuộc, nhưng theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Yến: “Tình trạng này giảm khoảng 30% chứ chưa thể triệt để. Vào những ngày cuối tuần hay các buổi tối và những nhà có đám tiệc, việc hát nhạc sống ồn ào vẫn xảy ra. Ngoài những hộ chấp hành tốt quy định về giờ giấc, còn một số hộ chưa bảo đảm, vẫn hoạt động sau 22 giờ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”.


Hát nhạc gây tiếng ồn ảnh hưởng đến những người xung quanh

Tuyên truyền vẫn là chính

Theo ông Võ Ngọc Ẩn, hát nhạc sống là một nhu cầu vui chơi, giải trí nâng cao đời sống tinh thần của người dân nên để việc đi vào nền nếp, các ngành, đoàn thể cùng thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân hát thế nào vừa hay, vừa đủ nghe và đúng giờ giấc, không ảnh hưởng đến người xung quanh. Khi phát hiện hát quá giờ, quá lớn thì công an, chính quyền địa phương nhắc nhở để mọi người hiểu và khắc phục chứ chưa xử phạt.

Còn ở huyện Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện - Phùng Văn Đức cho biết: “Huyện sẽ triển khai để các địa phương đưa việc sinh hoạt các loại hình văn hóa đúng quy định vào quy ước, hương ước của ấp, khu phố và dán công khai trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, người dân hiểu, nâng cao nhận thức và trở thành những chủ thể giám sát lẫn nhau trong việc sinh hoạt văn hóa”.

Dù tình trạng karaoke di động, nhạc sống quá giờ, ồn ào còn xảy ra nhưng các địa phương xác định, tuyên truyền, vận động vẫn là chính chứ chưa áp dụng hình thức xử phạt. Hơn nữa, việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về tiếng ồn của loại hình nhạc sống, karaoke di động rất khó thực hiện. Ở huyện Châu Thành, Phòng Tài nguyên và Môi trường gửi công văn đến UBND các xã, thị trấn và các chủ hộ kinh doanh nhạc sống, karaoke di động trên địa bàn huyện thực hiện đúng quy định về tiếng ồn nhưng đây cũng là văn bản tuyên truyền để mọi người cùng thực hiện đúng chứ chưa thể áp dụng xử phạt.

Nguyên nhân, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Huỳnh Thị Phép: “Ở các huyện, thị xã, thành phố hiện nay chưa trang bị đầy đủ phương tiện đo tiếng ồn. Khi tiến hành đo cũng khó vì còn sự cộng hưởng của các tạp âm xung quanh. Hơn nữa, khi thấy đoàn đến kiểm tra, người chơi sẽ điều chỉnh âm thanh nhỏ nên không có chứng cứ vi phạm và khó xử lý”.

Hát nhạc sống là loại hình giải trí phù hợp với xu hướng, điều kiện sinh hoạt văn nghệ của người dân nên không cấm mà phải thực hiện đúng quy định như lời Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch - Phạm Văn Trấn nói. Cũng theo ông Trấn, để loại hình giải trí này thể hiện mặt tích cực, đồng thời khắc phục, xử lý mặt tiêu cực của nó, các địa phương phải quyết liệt vào cuộc, trong đó, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân vẫn là chính./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết