Tiếng Việt | English

20/03/2024 - 07:50

Cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương

Ngày 20/3 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc với sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Các nước tham gia cùng cam kết sẽ ủng hộ Ngày Quốc tế Hạnh phúc bằng việc nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Ngày đặc biệt này được lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan - một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao của thế giới.

Từ những năm 1970, đức vua của Bhutan đã đưa ra một cách thức mới để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội. Sự đánh giá này dựa vào 2 tiêu chí là chỉ số hạnh phúc quốc gia và chỉ số về kinh tế.

Các chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới, năm 2023, Phần Lan là quốc gia dẫn đầu về hạnh phúc và đó là năm thứ 6 liên tiếp nước này giữ vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Hạnh phúc được đánh giá trên nhiều tiêu chí, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, làm sao để người dân cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình.

Mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc. Bắt đầu từ gia đình, hạnh phúc chính là sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau. Khi gắn kết thành một gia đình, điều đầu tiên là giữa vợ chồng phải có sự đồng cảm, hòa hợp và tình yêu thương.

Chính những điều đó mới giúp mỗi người chấp nhận những khiếm khuyết của nhau và cùng giúp nhau hoàn thiện. Đâu cần đợi đến đủ đầy về vật chất người ta mới hạnh phúc, ngược lại nhiều người không thiếu về vật chất nhưng vẫn cảm thấy không hạnh phúc.

Trong gia đình, hạnh phúc của những đứa trẻ chính là tình yêu thương, sự chăm sóc của cha mẹ. Nhiều đứa trẻ cho rằng điều hạnh phúc nhất chính là được quây quần bên cha mẹ, được ôm vào lòng vỗ về khi gặp chuyện buồn, được cha mẹ động viên, chia sẻ trước mỗi kỳ thi.

Vậy mà người lớn chúng ta có khi không hiểu được điều đó. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng làm việc để lo cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng lại quên rằng con cần được yêu thương, cần cha mẹ đồng hành, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.

Hạnh phúc của những đứa trẻ còn là một môi trường học tập tốt, thân thiện để trẻ cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Từ nền tảng hạnh phúc gia đình, mỗi người sẽ tìm kiếm hạnh phúc ngoài xã hội từ việc làm đến các mối quan hệ khác nhau. Nếu trước kia, điều người lao động quan tâm đầu tiên khi tìm việc làm là tiền lương thì nay, các bạn trẻ quan tâm nhiều đến môi trường làm việc.

Một môi trường làm việc tốt, cạnh tranh công bằng, đồng nghiệp thân thiện sẽ kích thích sự sáng tạo của mỗi người, từ đó tăng năng suất và hiệu quả lao động. Được làm việc đúng sở trường, trong môi trường thân thiện không chỉ giúp tăng hiệu quả mà người lao động còn cảm nhận được niềm hạnh phúc, ngày càng yêu thích công việc, cống hiến nhiều hơn.

Hạnh phúc lúc này được đo bằng chỉ số hài lòng với công việc và cuộc sống để mỗi người cảm nhận một ngày trôi qua thật ý nghĩa.

Đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là giấc ngủ sâu sau một đêm dài làm việc, là cảm giác vui sướng khi hoàn thành tốt một công việc. Hạnh phúc còn bao hàm cả sự chia sẻ và lòng yêu thương.

Khi quan tâm, chia sẻ cũng chính là lúc được nhận lại. Cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Hạnh phúc lúc này là được giúp đỡ, hỗ trợ những người yếu thế, để cảm nhận cuộc sống này đáng yêu biết bao khi người với người quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.

Mỗi người sẽ có một khái niệm, nhu cầu riêng về hạnh phúc nhưng đích đến cuối cùng mà mọi người hướng đến đó là chất lượng cuộc sống. Đó không phải là được đáp ứng những nhu cầu về vật chất mà còn để mỗi người cảm nhận được cuộc sống này thật hạnh phúc và ý nghĩa.

Đó cũng chính là thông điệp của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2024 - Hạnh phúc cho mọi người./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết