Mùa lũ "buồn" của nông dân vùng Đồng Tháp Mười
Thất mùa thủy sản
Chuẩn bị đón lũ, nông dân vùng ĐTM sửa sang dụng cụ đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, sự háo hức đó dần mất đi khi đã gần giữa tháng 8 âm lịch mà mực nước đầu nguồn chỉ ngấp nghé mức báo động 1.
Ông Đỗ Văn Có, ngụ ấp Láng Đao, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng cho biết "Nông dân vùng ĐTM hằng năm trông chờ mùa lũ để có thêm thu nhập nhưng năm nay coi như thất thu. Gia đình tôi nhiều đời làm nghề giăng lưới, thả câu, đặt dớn và đến đời tôi, đời con tôi cũng mưu sinh bằng nghề này. Năm nay, đến thời điểm này mà nước lũ vẫn thấp, tôi thả cả trăm mét lưới từ lúc khuya đến rạng sáng mà chỉ kiếm được vài ký cá, thời điểm này những năm trước, cá, tôm về đầy. Mùa lũ không còn cá tôm cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn lợi của nông dân”.
Những năm trước, khi mùa lũ về, nhiều gia đình đều trông chờ vào nghề chài lưới. Không những vậy, hầu hết các khoản chi tiêu lớn trong gia đình đều phụ thuộc vào nguồn thu từ tôm, cá, nhưng hiện tại nguồn thu ấy dường như không còn,… Ông Nguyễn Văn Sẽ, người chuyên thu mua cá ở vùng này ngao ngán nói: "Vào thời điểm này những năm trước đây, ở vùng ĐTM lũ tràn đồng, các loại đặc sản rất nhiều. Cứ chiều về, chúng tôi thu mua cả tấn cá để chuyển lên TP.HCM tiêu thụ. Năm nay, đến thời điểm này, vẫn ngồi chờ lũ”.
Mực nước lũ thấp, nông dân thất mùa thủy sản
Vụ Đông Xuân có thể gặp khó
Thời điểm hiện nay, mực nước lũ so cùng kỳ năm 2014 thấp hơn từ 0,41-0,83m. Nếu so cùng kỳ năm 2000, thấp hơn từ 1,52-2,60m. Tại Tân Hưng mực nước hơn 1,37m, tại Vĩnh Hưng là hơn 1,23m và tại Mộc Hóa mực nước hơn 0,74m. Mực nước lũ thấp, không những nguồn lợi từ thủy sản giảm mà còn gây khó khăn trong việc sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 sắp tới. Lũ thấp, dòng chảy yếu, không diệt hết mầm bệnh, sâu bệnh hại lúa sẽ phát triển nhiều hơn; hơn nữa, thời gian ngâm lũ ngắn hơn mọi năm nên lượng phù sa ít.
Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Văn Tài cho biết: “Đến thời điểm này, lũ về thấp đồng nghĩa với việc nông dân thất thu nguồn lợi thủy sản và gặp khó trong sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016. Cỏ dại, lúa chét trên đồng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh, rầy nâu trú ẩn, đặc biệt là chuột, ốc bươu vàng, do vậy nông dân phải đầu tư thêm chi phí vệ sinh đồng ruộng, trừ sâu bệnh”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng: Lũ về muộn và mực nước thấp hơn so với những năm trước thì bên cạnh những thuận lợi là lúa Hè Thu và Thu Đông dễ thu hoạch thì nông dân gặp rất nhiều khó khăn: Lũ nhỏ không mang nhiều phù sa, nguồn lợi từ thủy sản ít đi; khó khăn trong vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ sau,... Trước những khó khăn trên, sở đã chỉ đạo các huyện tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, diệt ốc bươu vàng, diệt chuột trước khi xuống giống để bảo vệ mùa vụ. Mặt khác, nếu lũ thấp, thì tình trạng thiếu nước tưới ở cuối vụ không thể tránh khỏi nên sở cũng chỉ đạo các huyện cần rà soát lại hệ thống kênh mương thủy lợi, tập trung nạo vét các tuyến kênh, khai thông dòng chảy, bảo đảm nguồn nước tưới đến cuối vụ, nhất là ở các xã vùng cao của huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng”./.
Lê Huỳnh