Tiếng Việt | English

08/05/2024 - 14:48

Chờ màn cải tổ nước Nga của ông Putin

Ngày 07/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin, đánh dấu nhiệm kỳ thứ 5 ông lãnh đạo nước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ nhậm chức ngày 07/5. (Ảnh: REUTERS)

Nắm quyền từ năm 1999, ông Putin ở tuổi 71 hiện nay sẽ tiếp tục dẫn dắt nước Nga tới năm 2030. Chính phủ của Thủ tướng Mikhail Mishustin giải tán theo quy trình, và một đợt bổ nhiệm tiếp theo sẽ được thực hiện trong vài ngày, vài tuần tới. 

Với phương Tây, đây chính là cột mốc để họ tiếp cận với một "nước Nga của Putin" sáu năm tiếp theo.

Hoàn thành bài kiểm tra

"Putin hay không Putin" là cách nhiều nhà quan sát nói về cuộc bầu cử vừa qua tại Nga. Trong bối cảnh không một chính trị gia nào thực sự nổi bật, sự kiện bỏ phiếu ở Nga không khác gì màn "trưng cầu" về việc người Nga có tiếp tục tin tưởng ông Putin hay không.

So với bốn lần tuyên thệ trước đây (2000, 2004, 2012 và 2018), ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bị nhận xét đã rơi xuống mức thấp bậc nhất lịch sử, nhiều nước đã tẩy chay sự kiện năm nay và cho rằng đây chỉ là kết quả của một cuộc bầu cử thiếu tự do, không công bằng. Đó là cuộc bầu cử ông Putin nhận số phiếu bầu kỷ lục 87,28%.

Chi tiết này diễn tả gần như đầy đủ tình trạng của nước Nga và ông Putin hiện nay. Ông Putin bị xem là căn nguyên cho sự phản kháng từ phương Tây cũng như các nền kinh tế lớn, song cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn này, sự ủng hộ trong nước dành cho ông lại mạnh mẽ hơn.

Sergei Chemezov - tổng giám đốc Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec, một đồng minh thân cận của ông Putin - nhấn mạnh yếu tố ổn định chính trị khi nói về nguyên nhân người Nga tiếp tục đặt niềm tin vào vị lãnh đạo của họ.

Ông nói với Reuters: "Với Nga, đây là sự tiếp nối con đường của chúng tôi, đây là sự ổn định. Các anh cứ hỏi bất kỳ người Nga nào trên đường đi. Tổng thống Putin được bầu lại và sẽ tiếp tục con đường ấy, mặc dù phương Tây có thể không thích. Nhưng họ sẽ hiểu rằng ông Putin là sự ổn định cho nước Nga thay vì một gương mặt mới, mang lại chính sách mới bất kể là hợp tác hay đối đầu".

Quả thực, dù đón nhận hay chỉ trích kết quả bầu cử, chính giới hay truyền thông phương Tây đều thừa nhận ông Putin đã thành công trong "bài kiểm tra" này. Nhà lãnh đạo Nga đã củng cố vị trí "người hùng của nước Nga" trong bối cảnh bị thế giới phương Tây cô lập vì cuộc xung đột với Ukraine. 

Nói như tờ New York Times, khi những người ủng hộ ông Putin tập hợp, họ đều chia sẻ một thông điệp chứng minh sự trung thành của mình với vị thế của ông Putin: ông sẽ giữ nước Nga ổn định, mạnh mẽ và hòa bình.

Chờ nội các mới


Trong khi việc ông Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga không khiến giới quan sát ngạc nhiên, những thông điệp và khả năng cải tổ nội các ở Matxcơva là điều đáng chú ý nhất. Diễn biến chính trường Nga trong thời gian ngắn tới sẽ phần nào cho thấy ông Putin sẽ tính toán điều gì cho tương lai cuộc xung đột với Ukraine, nền kinh tế Nga và cả bàn cờ địa chính trị thay đổi sâu sắc ngày nay.

Với đáp án "Putin" đã rõ cho câu hỏi "Putin hay không Putin", phương Tây sẽ tập trung vào những thay đổi có thể xuất hiện chính sách kinh tế và đối ngoại của Nga, mặc dù bản thân ông Putin không đề cập gì tới chi tiết về chính sách mới trong bài phát biểu nhậm chức ngày 07/5, cũng không nói gì về đợt diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật chỉ vài ngày trước sự kiện tuyên thệ.

Cuộc diễn tập ấy được xem là tín hiệu cho thấy ông Putin tiếp tục gây áp lực lên phương Tây - những người ủng hộ Ukraine. Đây là thông điệp không bao giờ cúi đầu mà giới lãnh đạo Nga luôn nhắc lại. 

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây cũng rất lưu ý việc Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov bị bắt vì nghi nhận hối lộ. Politico xem đó là một "cuộc tấn công" nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và là thông điệp cho thấy ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc cải tổ lớn.

Điều này không nhất thiết khẳng định ông Shoigu sẽ đứng trước một nguy cơ nào đó. Giới quan sát cho rằng ông Putin vẫn tin tưởng những quan chức lâu năm như ông Shoigu hay Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng như những người trong "vòng thân cận" quyền lực của ông Putin theo cách nói của phương Tây.

Mặc dù vậy, chuyện cải tổ nhân sự vẫn có thể xảy ra khi nhóm quan chức thân cận ấy đều có tuổi, ví dụ Lavrov (74), Shoigu (68), các sếp an ninh bị đánh giá "diều hâu" như Alexander Bortnikov (72), Sergei Naryshkin (69) và Alexander Bastrykin (70)./.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/cho-man-cai-to-nuoc-nga-cua-ong-putin-20240508075429203.htm

Chia sẻ bài viết