Tiếng Việt | English

06/07/2022 - 08:38

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở nước ta, nhất là các tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng nhanh và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì thế, người dân không được chủ quan, lơ là mà phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh.

Năm nay, theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới, dịch SXH đang quay trở lại với chu kỳ 4-5 năm và có dấu hiệu bùng phát mạnh ở nhiều nước thuộc các khu vực trên toàn cầu. SXH đang gia tăng chóng mặt tại các nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Singapore đang là điểm “nóng” nhất.

Hiện nay, nước ta cũng đang vào cao điểm mùa dịch SXH, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Tính đến hết ngày 24/6/2022, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca mắc, 30 trường hợp tử vong vì SXH. Riêng Long An, từ đầu năm 2022 đến ngày 26/6, toàn tỉnh ghi nhận 4.346 ca mắc (tăng 3,4 lần so cùng kỳ năm 2021), 3 trường hợp tử vong vì SXH.

Theo dự báo từ Bộ Y tế, số ca mắc SXH thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, các địa phương cần phải chủ động tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, ngành Y tế cần chú trọng công tác tuyên truyền, có những khẩu hiệu, tờ rơi hướng dẫn cho người dân thực hiện; đồng thời, các cơ sở y tế chú trọng trong việc thu dung, điều trị và phân độ SXH, chuẩn bị phương tiện, vật tư, thuốc men để sẵn sàng cấp cứu hồi sức, tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do SXH.

Trên thực tế, SXH tuy không còn xa lạ với người dân nhưng không vì thế mà ai cũng biết cách hoặc chủ động phòng, chống bệnh. Qua kiểm tra, giám sát tại các hộ dân, các khu dân cư của ngành Y tế, vẫn ghi nhận tình trạng người dân “sống chung” với nguồn nguy cơ SXH là muỗi vằn. Các ổ lăng quăng vẫn tồn tại trong các chậu hoa kiểng, các vật dụng chứa nước. Dù hàng năm, các cấp, các ngành vẫn tuyên truyền sâu, rộng về phòng, chống bệnh SXH, thậm chí còn ra quân rầm rộ và hướng dẫn tận nơi về cách phòng, chống, cách loại bỏ nguy cơ mầm bệnh nhưng một bộ phận người dân còn chưa nâng cao nhận thức, chủ quan, lơ là. Chính vì vậy, nguy cơ bùng dịch vẫn tăng cao mỗi khi mùa mưa đến.

Để ngăn chặn dịch SXH hiệu quả, biện pháp khả thi nhất vẫn là mỗi người dân, mỗi gia đình, tổ dân cư, ấp, khu phố phải tuân thủ đúng hướng dẫn, chịu khó diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, loại bỏ sớm nguồn lây. Và diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường phải là việc làm thường xuyên, duy trì hàng ngày như là cách tự phòng vệ của mỗi cá nhân, gia đình đối với SXH mới mong chặn đứng nguy cơ mắc và bùng phát dịch./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết