Tiếng Việt | English

10/09/2015 - 10:32

Long An

Chủ động phòng, chống bệnh tay-chân-miệng ngay từ đầu năm học

Bệnh tay-chân-miệng (TCM) luôn tiềm ẩn và nguy cơ trẻ mắc bệnh là không tránh khỏi nếu không có biện pháp phòng, tránh. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi. Do đó, vào đầu mỗi năm học, giáo viên các trường mầm non, mẫu giáo trong toàn tỉnh tất bật dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, sởi, đau mắt đỏ, thủy đậu và đặc biệt là bệnh TCM.


Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng để phòng, chống bệnh tay-chân- miệng

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Chánh (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) - Hồ Thị Đoan Vân cho biết, 4 năm qua, trường không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh TCM. Hằng năm, trước khi trẻ bước vào năm học mới, giáo viên tổng vệ sinh trường, lớp học. Trường tham mưu ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ Cloramin B sát khuẩn phòng học, đồ chơi của trẻ vào chiều thứ 6 hàng tuần. Trường hướng dẫn trẻ rửa tay (sau khi chơi, trước khi ăn, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi ngủ) đúng theo 6 bước của ngành Y tế. Mỗi ngày, giáo viên tổng vệ sinh lớp, lau sàn bằng nước sát khuẩn thông thường.

Ngoài ra, trường còn tuyên truyền để gia đình phối hợp dạy trẻ hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất. Hình thức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp phụ huynh học sinh, thông qua việc dán tờ rơi về biện pháp phòng bệnh ở góc phụ huynh cần biết. Mỗi tháng, trường phối hợp trạm y tế xã kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trường Mẫu giáo Đông Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc là một trong những trường thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu như năm học 2012-2013, trường ghi nhận từ 13 - 14 ca mắc bệnh TCM thì năm học 2013-2014, chỉ ghi nhận 4 ca mắc và năm học vừa qua, trường không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Hiện trường có 9 lớp với 297 trẻ theo học, trong đó có 2 điểm phụ ở ấp Tân Quang và ấp Nam.

Chia sẻ về biện pháp phòng bệnh TCM, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đông Thạnh - Bùi Thị Hồng Nhung cho biết, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến các bậc phụ huynh, đồng thời vận động mạnh thường quân, phụ huynh hỗ trợ kinh phí để mua sắm trang thiết bị y tế phòng, tránh dịch bệnh. Hiện tại, mỗi lớp học được trang bị từ 4 - 5 vòi nước để trẻ rửa tay. Riêng đồ chơi của trẻ, giáo viên vệ sinh bằng xà phòng và đem phơi nắng mỗi tuần/lần.

Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn thì trao đổi với phụ huynh để sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm thì cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.049 ca mắc bệnh TCM, không ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc giảm 53% so với cùng kỳ năm 2014 (2.235 ca), tử vong giảm 1 ca so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2014, tử vong 1 ca). Huyện có số ca mắc cao là: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An. 

Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn thông thường. Cần cách ly trẻ bệnh tại nhà, không nên cho trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh./.

Ngọc Mận


 

 

Chia sẻ bài viết