Mặn bắt đầu xâm nhập
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, từ giữa tháng 12/2018 đến nay, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập trên các tuyến sông của tỉnh như sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành với độ mặn dao động từ 0,10-10,2 gam/lít. So cùng kỳ năm 2018, sông Rạch Cát cao hơn từ 0,8-1,10 gam/lít; sông Vàm Cỏ Đông cao hơn từ 0,7-0,9 gam/lít; sông Vàm Cỏ Tây cao hơn 0,4 gam/lít; sông Tra cao hơn 1,3 gam/lít. Ranh giới độ mặn 4 gam/lít sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 45km ở sông Vàm Cỏ Tây (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ; xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành), hơn 49km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước). Ranh giới độ mặn 1 gam/ lít sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 71km ở sông Vàm Cỏ Tây (xã Bình Quới, huyện Châu Thành; xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ), hơn 73km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Lương Hòa, Thạnh Hòa, huyện Bến Lức).
Độ mặn tại các tuyến sông bắt đầu lên
Trước tình hình trên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần đề nghị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh và các bản tin dự báo, cảnh báo về hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn của cơ quan chuyên môn về khí tượng - thủy văn như Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đài Khí tượng Thủy văn Long An để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn.
Chủ động phòng, chống
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Để chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất hiệu quả cho nông dân, địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý. Bên cạnh đó, thực hiện việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh, mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước; cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước. Ngoài ra, tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây trồng,...”.
Nông dân chủ động với hạn, xâm ngập mặn
Ông Lê Tấn Long (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Thời gian qua, địa phương thường xuyên khuyến cáo về tình hình xâm nhập mặn nên nông dân chúng tôi chủ động phòng, chống, trữ nước ngọt cho sản xuất, sử dụng tiết kiệm nước và gieo sạ đúng lịch thời vụ, phù hợp với tình hình hạn, mặn. Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân ứng dụng ngay từ đầu vụ biện pháp kỹ thuật tiến bộ, giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ nên không bị mặn bao vây như những năm trước”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Sở đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để bảo đảm sử dụng hiệu quả cho cả mùa khô năm 2019. Khi xảy ra hạn, thiếu hụt nước, phải ưu tiên cung cấp đầy đủ nước cho dân sinh, chăn nuôi và cây trồng lâu năm. Tổ chức xây dựng, rà soát kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó, nhất là phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019. Xem xét điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thiếu nước.
Tăng cường tổ chức nạo vét kênh, mương, cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động vận hành, tận dụng mọi nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí để phục vụ tốt sản xuất, dân sinh; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến người dân nhằm nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm. Vận động người dân phối hợp các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”./.
Đến nay, toàn tỉnh gieo cấy 234.371ha, đạt 46,5% kế hoạch năm 2019 (503.580ha), bằng 99,9% so cùng kỳ năm 2018; thu hoạch 12.018ha, năng suất (khô) bình quân ước đạt 49,3 tạ/ha, sản lượng 59.205 tấn, đạt 2,15% so với kế hoạch (2,75 triệu tấn). |
Huỳnh Phong