Tiếng Việt | English

27/05/2020 - 08:59

Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Hàng năm, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Nhiều vụ sạt lở xảy ra làm ảnh hưởng đời sống và sự an toàn của người dân

Thiệt hại do thiên tai gây ra khá lớn

Năm 2019, mực nước lũ vùng Đồng Tháp Mười thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018; hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng không gay gắt như những năm 2015-2016. Tuy nhiên, mưa giông, lốc, sét, triều cường, sạt lở đất lại gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhà cửa, đất đai của người dân.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, năm 2019, các loại hình thiên tai như mưa giông, lốc, sét, triều cường, sạt lở đất,… diễn biến phức tạp, khó lường, xảy ra liên tục và khó dự đoán, gây thiệt hại khá lớn. Cụ thể, về sản xuất, có 2,4ha rau màu thiệt hại do giông lốc tại huyện Thủ Thừa; 6,25ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do triều cường (4,03ha thiệt hại trên 70%; 2,22ha thiệt hại từ 30-70%) tại huyện Châu Thành. Về cơ sở vật chất, giông lốc làm sập 50 căn nhà; 697 căn bị tốc mái; làm ngã 15 trụ điện; xảy ra 13 vụ sạt lở lớn; 3 người chết và 8 người bị thương do sét đánh và sập nhà. Ước tổng thiệt hại do thiên tai năm 2019 gần 27 tỉ đồng.

Theo Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh, năm 2019, công tác PCTT&TKCN được tập trung thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án để phòng, chống và ứng phó với mưa, lũ nên hạn chế thiệt hại xảy ra. Công tác chuẩn bị phương tiện vận chuyển, dụng cụ cứu hộ được bảo đảm, đồng thời thường xuyên tuyên truyền người dân bảo quản tài sản, chằng chống nhà cửa. Việc dự đoán, dự báo tình hình khí tượng - thủy văn tương đối chính xác cũng góp phần giảm thiệt hại xảy ra,… Tuy nhiên, mùa mưa, lũ năm 2019 đã làm chết 1 người, làm sập và tốc mái 102 căn nhà, ước thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng.

 

Còn huyện Tân Trụ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện - Đoàn Văn Hoàng cho biết: “Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện trong năm 2019 xảy ra có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân sạt lở là do tác động của dòng chảy, sự thiếu hụt phù sa bồi đắp từ thượng nguồn, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu. Năm 2019, trên địa bàn huyện có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các xã: Nhựt Ninh, Tân Phước Tây và thị trấn Tân Trụ làm ảnh hưởng đến đời sống, sự an toàn của người dân. Ngoài ra, mưa giông làm tốc mái 48 căn nhà, ước thiệt hại 34 triệu đồng. Năm 2019, tỉnh đầu tư xây dựng mới 2 cống trên tuyến đê bao đoạn 2 ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc xã Nhựt Ninh, kinh phí 3 tỉ 350 triệu đồng. Huyện, xã đã đầu tư nạo vét 32 hạng mục công trình kênh, rạch nội đồng với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng nhằm bảo đảm tưới tiêu, ngăn mặn, phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân”.

Hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp

Từ giữa tháng 11-2019, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện và xâm nhập sâu vào sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, thời gian xuất hiện mặn sớm hơn gần 1 tháng so với cùng kỳ năm 2018-2019. Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp nắng nóng nên độ mặn các sông trên địa bàn tỉnh tăng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đã làm 2.744ha lúa Đông Xuân 2019-2020 ở các huyện phía Nam của tỉnh bị giảm năng suất, trong đó, 852ha bị thiệt hại trên 70%, 1.885ha thiệt hại từ 30-70%; ngoài ra còn có 7,65ha rau màu bị giảm năng suất từ 30-70%. Ước tính thiệt hại khoảng 55,46 tỉ đồng.

Ngoài ra, hạn, xâm nhập mặn kéo dài làm cho một số xã ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ bị ảnh hưởng về nước sinh hoạt, trong đó có 3.553 hộ thiếu nước nghiêm trọng. Các hộ dân này được tỉnh, huyện phối hợp các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ giải quyết khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều vụ sạt lở xảy ra ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Trụ, Thạnh Hóa với chiều hướng phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Không chủ quan, lơ là

Tại huyện Tân Hưng, từ đầu năm 2020 đến nay xuất hiện một số cơn mưa lớn kèm theo giông lốc làm sập 8 căn nhà, tốc mái 31 căn, ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Để chủ động công tác PCTT&TKCN năm 2020, huyện đề ra kế hoạch cùng nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng, bảo vệ tốt tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt không để xảy ra chết người do chủ quan, thiếu ý thức trong phòng tránh thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Tổ chức tốt khâu phòng là chính, chuẩn bị đối phó trước thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh thông tin thêm: “Để chủ động phòng, chống thiên tai, huyện củng cố ban chỉ huy từ huyện đến cơ sở, có phân công thành viên phụ trách địa bàn. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, củng cố hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm chỉ đạo thông suốt. Tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân tu sửa, chằng chống lại nhà cửa, hạn chế sập đổ do mưa giông. Tổ chức diễn tập các phương án đối phó với lụt bão, thiên tai. Ngoài việc tổ chức tốt công tác PCTT&TKCN nội bộ cơ quan, đơn vị cần có phương án hỗ trợ giúp đỡ đơn vị bạn, đồng bào trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai gây ra,…”.

Hàng ngàn hộ dân ở các huyện vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ thiếu nước sinh hoạt sử dụng

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền, trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh xác định mục tiêu và đề ra những nhiệm vụ trong công tác PCTT thời gian tới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai và TKCN trong toàn dân. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), đồng thời nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành. Từ đó, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn phụ trách cho từng thành viên. Chủ động theo dõi các thông tin về tình hình chất lượng nước, hạn, xâm nhập mặn, lũ, triều cường, sạt lở đất và tình hình thời tiết, thiên tai. Thông báo, cảnh báo kịp thời trong sản xuất, khuyến cáo lịch thời vụ và quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thích hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng tránh, ứng phó thiên tai; tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn để nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động ứng phó tốt khi có thiên tai xảy ra.

Chính quyền cơ sở tiếp tục xây dựng, củng cố và thành lập các tổ, đội thanh niên xung kích, đội cứu hộ, cứu nạn từng ấp, xã để chủ động phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả. Sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, giao thông nông thôn, hệ thống thông tin liên lạc. Chuẩn bị lương thực, vật tư trang thiết bị, hậu cần,… đầy đủ và chủ động trong mọi tình huống. Vận động người dân sống ở khu vực nguy hiểm (khu vực sạt lở, ngập lũ) di dời đến nơi an toàn. Bằng nhiều biện pháp, huy động mọi nguồn lực có thể để ứng phó với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết