Quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi
Để tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ công tác tưới, tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp; ưu tiên nguồn vốn để triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất.
Xây dựng hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn ở ấp 3, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, vào mùa khô, các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Tân Trụ xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước ngọt hoặc bị nhiễm phèn, mặn làm cho người dân gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Nhằm góp phần cung cấp đủ lượng nước tưới cho cây trồng, khơi thông dòng chảy, thời gian qua, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình đê, cống ở các xã vùng hạ nhằm ngăn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: Những năm qua, thực hiện phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện ưu tiên dành nguồn lực để triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Năm 2021, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và cây lúa nước, huyện đầu tư 10 công trình thủy lợi với nguồn vốn hơn 10 tỉ đồng.
Nói về hiệu quả của thủy lợi, ông Lê Văn Công (ấp 3, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Những năm gần đây, việc canh tác lúa của người dân trên địa bàn xã rất thuận lợi, bởi nguồn nước tại các kênh dồi dào. Đặc biệt, trước biến đổi phức tạp của thời tiết, xâm nhập mặn, người dân chúng tôi cũng yên tâm sản xuất, bởi đã có các cống ngăn mặn. Nhờ đó, lúa và các loại rau màu luôn bảo đảm có nước tưới thường xuyên, đặc biệt là năng suất lúa tăng đáng kể”.
Xây dựng hệ thống đê bao
Tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, nếu như trước đây còn nhiều diện tích lúa của người dân ở vùng trũng thấp, chưa có hệ thống đê bao, thường xuyên bị ảnh hưởng do lũ về sớm gây thiệt hại về kinh tế thì những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều công trình thủy lợi được xây dựng và nâng cấp, góp phần bảo đảm sản xuất lúa 2 vụ ăn chắc.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Phan Văn Oanh chia sẻ: “Toàn xã có 3.953ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện có 14 khu đê bao khép kín phục vụ sản xuất 3.242ha, 5 khu đê bao còn 1 vách phục vụ sản xuất 423ha và 3 khu đê bao còn 2 vách phục vụ 279ha. Các công trình đê bao lửng kết hợp đường giao thông nông thôn giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn”.
Anh Ngô Văn Thống (ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh) cho biết: “Mấy năm nay, nhờ chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, nông dân chúng tôi chủ động được nguồn nước trong sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa cũng như các loại cây trồng cao, thu nhập của người dân nhờ vậy cũng tăng lên đáng kể”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, những năm qua, huyện luôn quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư nạo vét các tuyến kênh giúp người dân chủ động nguồn nước tưới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Huyện hiện có 157 ô đê bao, phục vụ sản xuất hơn 37.000ha, chiếm 97,4% diện tích canh tác. Đồng thời, trên địa bàn huyện có 108 trạm bơm điện đang hoạt động, phục vụ hơn 22.000ha, chiếm 58,8% diện tích canh tác.
Toàn tỉnh có 240 trạm bơm điện phục vụ gần 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, thời gian qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, tỉnh đầu tư xây dựng hàng chục công trình (xây dựng, sửa chữa đê, cống, nạo vét kênh,...) phục vụ tưới, tiêu, phòng, chống hạn, mặn với nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có 5.452 công trình thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 393 công trình, huyện quản lý 5.059 công trình. Tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất.
Hiện tỉnh quản lý 32 tuyến đê bao, tổng chiều dài hơn 280km, bảo đảm chống lũ, triều cường, ngăn mặn triệt để, bảo vệ an toàn cho hơn 150.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 416.000 người dân các huyện phía Nam. Huyện quản lý 1.225 tuyến đê bao (đê bao chống lũ triệt để, thời vụ), chiều dài gần 6.000km, bảo vệ hơn 238.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 115.000 người dân. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 240 trạm bơm điện phục vụ tưới, tiêu cho gần 50.000ha đất sản xuất.
Hướng đến mục tiêu bền vững
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: Đến nay, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện, bảo đảm an toàn cho phần lớn diện tích cây ăn trái, lúa Hè Thu, Thu Đông và diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng cung cấp nước tưới và tiêu thoát lũ; chống sạt lở bờ sông, ứng phó biến đổi khí hậu; nạo vét kênh, mương, sửa chữa bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, xây dựng cống điều tiết, cống kết hợp trạm bơm điện, xây dựng trạm bơm điện,... phục vụ sản xuất.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, các công trình thủy lợi được đầu tư đưa vào sử dụng đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương, giúp người dân chủ động nguồn nước phục vụ trong sản xuất. Tuy nhiên, một số công trình qua thời gian sử dụng do ảnh hưởng của mưa, lũ bị sạt lở, bào mòn cần được nâng cấp. Hiện trên địa bàn huyện có 132 ô đê bao, chiều dài hơn 900km bảo vệ hơn 32.000ha, trong đó có 109 ô đê bao bảo đảm chống lũ thời vụ cho 26.775ha, 23 ô đê bao không bảo đảm chống lũ thời vụ cho hơn 5.000ha. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại mùa màng của người dân, các cấp, các ngành cần đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại, đồng bộ phục vụ sản xuất. Cụ thể, tiếp tục đầu tư nâng cấp 23 ô đê bao, chiều dài 33km, phục vụ hơn 5.000ha đất sản xuất nông nghiệp với nguồn vốn 10 tỉ đồng.
Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng, nâng cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân
Tại huyện Tân Trụ, để bảo đảm sản xuất hơn 5.100ha đất nông nghiệp, trong đó có 3.785ha lúa, hơn 900ha rau màu, cây ăn trái và hơn 400ha nuôi, trồng thủy sản, nhiều kênh, mương trên địa bàn được nạo vét, xây mới. Năm 2022, ngoài các công trình của tỉnh đầu tư, từ nguồn vốn ngân sách hơn 10 tỉ đồng, huyện có kế hoạch đầu tư 11 công trình nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng, xây dựng hệ thống đê bao, cống đầu mối.
Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, tạo điều kiện tái cơ cấu phát triển sản xuất, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ đột biến, triều cường, xâm nhập mặn.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác quản lý các công trình thủy lợi, nâng cao năng lực trong phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý về an toàn các công trình; làm tốt công tác cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát hệ thống kênh, mương để có kế hoạch đầu tư nạo vét, tu bổ nâng cấp, xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn, giữ nước nhằm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Qua đó, bảo đảm tưới, tiêu trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân”./.
Mấy năm nay, nhờ chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, nông dân chúng tôi chủ động được nguồn nước trong sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa cũng như các loại cây trồng cao, thu nhập của người dân nhờ vậy cũng tăng lên đáng kể”.
Anh Ngô Văn Thống, ngụ ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng
|
Văn Đát