Tiếng Việt | English

25/03/2021 - 08:48

Chú trọng duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông tạo điều kiện kết nối, phát triển KT-XH. Để phát huy hiệu quả lâu dài và đồng bộ giữa các tuyến đường, cùng với đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng thì việc duy tu, sửa chữa kịp thời những hư hỏng cũng cần được quan tâm thực hiện.

Hạ tầng giao thông là “đầu tàu” cho sự phát triển

Hiện nay, mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý 63 tuyến đường, tổng chiều dài 954,862km. Trong đó, đường bêtông nhựa 112,246km, đường láng nhựa 640,094km, đường cấp phối 199,989km,... Ngoài ra, Sở được giao quản lý 335 cây cầu; trong đó, có 294 cầu bêtông dự ứng lực, 13 cầu thép mặt thép, 27 cầu thép mặt gỗ và 1 cầu treo.

Những năm gần đây, nhiều tuyến đường tỉnh (ĐT) được đầu tư mới, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh được tập trung thực hiện và ngày càng phát huy hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ huyện đến xã cũng được quan tâm xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống người dân.

Sửa chữa lại mặt đường đoạn bị hư hỏng

Hiện nay, một trong những động lực chính để tỉnh phát triển là công nghiệp. Nhất là khi tỉnh có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như vị trí gần TP.HCM, gần các tỉnh Đông Nam bộ và là cửa ngõ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với những lợi thế này, việc phát triển hạ tầng giao thông phải được quan tâm, xem là “đột phá”, là “đầu tàu”.

Thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư để hoàn thành các dự án giai đoạn 2015-2020, tỉnh thông qua danh mục các dự án, công trình giao thông đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025. Trong đó, có các dự án lớn mang tính kết nối liên vùng và phục vụ phát triển KT-XH: 3 cầu trên ĐT827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Tây; sông Vàm Cỏ Đông), ĐT836B, ĐT837B, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (thuộc dự án đường Vành đai), nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn thị trấn Đức Hòa đến kênh Ranh), mở rộng ĐT825 (đoạn thị trấn Hậu Nghĩa đến Lộc Giang),... Mặt khác, tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm đầu tư nâng cấp Quốc lộ (QL) 62, QLN2, cải tạo QL1, QL50 và xây dựng hoàn chỉnh QLN1 đoạn qua tỉnh Long An.

Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định hạ tầng giao thông là động lực cho sự phát tiển KT-XH tỉnh. Từ đó, đề ra 3 công trình giao thông trọng điểm: Hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An; ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830); ĐT827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông). Còn 3 chương trình đột phá; trong đó có Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

“Với sự quan tâm, tập trung đầu tư của các cấp, thời gian tới, hệ thống giao thông của tỉnh tiếp tục có nhiều thay đổi. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh hơn” - ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, cho biết.

Nhiều tuyến đường cần được duy tu, sửa chữa

Bên cạnh những kết quả đã đạt, hiện mạng lưới giao thông trong tỉnh còn một số hạn chế. Về kết nối liên thông còn bị chia cắt bởi các tuyến sông nên hiệu quả khai thác trên các tuyến không đều. Ông Nguyễn Văn Tuấn - tài xế xe tải, ngụ thị trấn Bến Lức, cho rằng: “Quy mô ĐT vẫn còn nơi chưa phù hợp, chất lượng mặt đường còn thấp, hệ thống đường huyện, đường xã đa số vẫn là đường cấp phối. Từ đó, có những tuyến đường còn hạn chế lưu thông, tăng chi phí vận tải, ô nhiễm môi trường”.

Đầu tư hệ thống cống thoát nước

Mặt khác, tình trạng ứ đọng, ngập nước ở các tuyến đường vẫn xảy ra làm cho công trình dễ xuống cấp, hư hỏng, nhất là hiện nay lưu lượng phương tiện, xe có trọng tải lớn lưu thông gia tăng. Giám đốc Ban Quản lý dự án Sở GTVT - Phạm Phương Nam cho biết: “Lý do dẫn đến vấn đề này được xác định là tốc độ đô thị hóa nhanh, các tuyến đường xây dựng lâu, qua nhiều năm khai thác. Hai bên tuyến người dân san lấp nền cất nhà cao hơn mặt đường. Nhiều nhà mái áp ra sát mé đường nên mỗi khi mưa lớn thì toàn bộ nước trên mái cứ thế trút thẳng xuống đường. Có những tuyến đường đầu tư chưa đồng bộ, chưa có hệ thống thoát nước bảo đảm nên mùa mưa thường gây đọng nước dọc theo hai bên mép mặt đường, có chỗ tràn ra mặt đường, gây hư hỏng nền, mặt đường, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị”.

Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước một số tuyến đường được đầu tư qua nhiều giai đoạn nên không đồng bộ, xuống cấp nhưng chậm cải tạo, nâng cấp, nạo vét bùn lắng không kịp thời nên vào mùa mưa, triều cường rất dễ bị ngập úng. Một số tuyến đường được đầu tư mới nhưng hệ thống thoát nước chưa xây dựng kịp thời do kinh phí hạn hẹp. Một bộ phận người dân chưa ý thức cao, vẫn xả thải rác xuống kênh, rạch, cống và hố gas gây ách tắc thoát nước, thậm chí tự ý đục phá cống để nối ống thoát nước thải sinh hoạt,...

Thông tin từ Sở GTVT, để duy trì được trạng thái khai thác bình thường của nhiều công trình đường giao thông thì cần bố trí nhiều kinh phí để duy tu, cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, nguồn vốn sự nghiệp giao thông bố trí cho công tác quản lý, bảo trì và sửa chữa các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện ở mức khoảng 80 tỉ đồng/năm; sau khi trừ tiết kiệm 10%, còn 72 tỉ đồng/năm. Với nguồn kinh phí hạn hẹp thì không thể nào đáp ứng được nhu cầu bảo trì mạng lưới hạ tầng giao thông do Sở GTVT quản lý.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Thành Ngoãn cho biết: “Thực tế, hiện nay có nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng đang cần được sửa chữa. Trong đó, có những tuyến đường đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ 10-13 năm, quá niên hạn phải sửa chữa nhưng chưa có kinh phí thực hiện”.

Từ thực tiễn cho thấy, nhu cầu phát triển KT-XH ngày càng lớn, đầu tư xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông càng trở nên cấp bách. Thế nhưng, để đầu tư cho các công trình giao thông, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức KT-XH, người dân, trong và ngoài nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo tiền đề cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ các tuyến đường giao thông, không xả rác thải ra cống gây tắc dòng chảy làm ứ đọng, ngập nước. Để giải quyết bài toán thoát nước ở các tuyến đường hiện nay, rất cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành và sự ủng hộ, giúp đỡ và đồng hành của người dân./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết